Các nhà nghiên cứu Trung Quốc đã tái tạo lại sự thay đổi của mực nước ở Biển Đông qua từng giai đoạn và phát hiện mực nước đã tăng 150 mm kể từ năm 1900.
Nghiên cứu được thực hiện bởi Viện Hải dương học Biển Đông thuộc Học viện Khoa học Trung Quốc, phối hợp cùng nhiều viện nghiên cứu trên cả nước, theo Xinhua.
Các vi san hô trên đảo Mapur, Indonesia giúp các nhà nghiên cứu đánh giá về mực nước biển trong thế kỷ qua. (Ảnh: Jedrxej Majewski).
Nghiên cứu được dựa trên việc quan sát san hô Porites, loài san hô phổ biến ở Biển Đông, có tốc độ sinh trưởng nhanh, vòng đời sinh trưởng cụ thể qua từng năm, và phản ứng nhạy bén với thay đổi của môi trường nước biển.
Các nhà nghiên cứu đã phân tích cơ chế tương quan giữa các đồng vị bền của oxy có trong san hô Porites với mực nước biển, độ mặn trên bề mặt biển, nhiệt độ bề mặt biển và lượng mưa ở Biển Đông, sau đó tái tạo lại mực nước biển qua từng năm.
Kết quả nghiên cứu chỉ ra mực nước ở Biển Đông giảm trung bình 0,73 mm mỗi năm, từ 1850 đến 1900, sau đó tăng 1,31 mm mỗi năm vào 1900-2015. Đặc biệt từ năm 1993, mực nước đã tăng nhanh, với 3,75 mm mỗi năm.
Nghiên cứu chỉ ra sự thay đổi của mực nước ở Biển Đông có thể đến từ hoạt động của Mặt Trời và và khí thải hiệu ứng nhà kính giai đoạn 1850-1950. Bức xạ Mặt Trời là một nhân tố tác động đến biến đổi khí hậu và mực nước biển trong hàng tỷ năm qua, theo nghiên cứu của Đại học Cambridge.
Tuy vậy, việc mực nước ở Biển Đông tăng nhanh gần đây chủ yếu là do khí thải nhà kính, nghiên cứu cho biết.
Hồi tháng 2, Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi Khí hậu (IPCC) cảnh báo người dân ở các quốc gia tiếp giáp với Biển Đông sẽ phải chứng kiến thiệt hại gia tăng không thể tránh khỏi đối với các khu định cư ven biển và cơ sở hạ tầng gây ra bởi mực nước biển dâng.