Sinh nhật tại KTX, Lê Văn Hùng mở gói quà to đùng của thằng bạn dân IT gửi tặng. Bên trong là một bảng kê đến cả trăm mã số tài khoản của người nước ngoài và kèm dòng chữ "Happy birthday, mày có thể mua cả con Dylan, nếu mày thích. Nhưng đừng để chết vì sử dụng thẻ tín dụng chùa". Chuyện dân IT tặng quà sinh nhật bạn bằng những mã số tài khoản cả ngàn USD giờ không còn là chuyện hiếm, còn việc tiếp theo là... tùy vào người nhận quà. Vài ngày sau gặp lại Hùng, cậu kể: "Mình đang thèm mấy quyển sách về đồ họa nhưng trên mạng ra giá quá đắt nên mình đành xài thẻ tín dụng "chùa" của thằng bạn tặng hôm sinh nhật, hy vọng là không bị Interpol gõ đầu".
N.T.A, một "lão làng" trong việc đánh cắp tài khoản từng tu nghiệp ở nước ngoài cho biết: "Ở một số nước, tụi SV cũng làm bậy nhiều lắm, vì hầu hết các giao dịch đều được chấp nhận. Thậm chí có vài chú SV nhà ta còn qua Sing hay Thái để nhận hàng vì đôi khi hệ thống giao dịch tự động của một số mạng bán hàng qua mạng như eBay, Amazon không chấp nhận đơn đặt hàng lớn từ Việt Nam".
Để tìm một vài mã tài khoản nước ngoài với dân IT giờ đây thật sự là chuyện dễ như lấy đồ trong túi vì trên một số forum như www.ma...; www.diendan...; thetindung... có cả dãy số tài khoản tín dụng mà các hacker đã đánh cắp tung lên cho thành viên khai thác thoải mái. Chỉ cần đánh cắp mỗi tài khoản 20 USD, họ thừa sức giàu to. "Đi đêm lắm thế mà chẳng có ngày gặp ma", có những kẻ dính đòn đôi khi vừa bắt đầu... học cách "đi đêm". Nguyễn Thành T. quê Thanh Hóa, vừa ra Hà Nội học ngành công nghệ thông tin được vài tháng. Một ngày đẹp trời, cậu vừa bật nick Yahoo, thằng bạn ở bên Sing gửi ngay cho đường link đến một "phố rùm" (forum) có cả đống số tài khoản. Quá ngợp trước "đống vàng" trước mắt, với tâm lý "ngày xưa trèo tường ăn cắp ổi xanh cả rổ còn không bị phát hiện, giờ trên mạng vô hình này thì lo gì", T. liền xơi ngay một chiếc máy tính xách tay trị giá hơn 2.000 USD, lấy từ 4 trong số hơn chục tài khoản bị hack có sẵn trên mạng. Thế nhưng mạng eBay không nhận đặt hàng từ Việt Nam, cậu liền liên lạc ngay với người em họ đang học ở Canada để nhận hàng. Nhưng mọi chuyện không đơn giản như T. tưởng, cậu đã phạm phải quy định "bất thành văn" của những tay ăn cắp thẻ tín dụng là không được lấy cắp quá 200 USD trong một tài khoản. Và thế là cậu em giúp anh đã dính đòn ngay khi định gửi hàng về Việt Nam. T. kể cậu đã phải huy động cả họ hàng nộp phạt 7.000 USD mới tránh được chuyện cậu em phải xách ba lô về nước.
Hạn chế sự truy lùng của Interpol, dân ship hàng còn chế ra nhiều mánh khóe mới để đánh cắp trót lọt. L.V.H kể: "Do mấy trang web bán hàng qua mạng không chịu giao dịch với người mua hàng ngồi máy từ Việt Nam nên có người phải đích thân... xuất ngoại. Đầu tiên, họ chọn những công ty trung gian chuyên bán hàng qua mạng, giao hàng tận nhà. Tất nhiên, giá mỗi mặt hàng có thể cao gấp rưỡi giá thực nhưng không vấn đề gì vì tiền đâu phải tiền của họ. Sau đó, họ chọn một phòng trọ hoặc một ký túc xá làm điểm giao nhận hàng, hẹn ngày giờ nhận hàng, xong việc là hô biến"...
Với mánh trên, T.N, SV Hà Nội làm chuyến đi Singapore với tấm vé của hãng hàng không giá rẻ, một công đôi việc ra nước ngoài thăm bạn lại ship chút hàng về gỡ lại vốn. Tuy nhiên chiếc máy ảnh "pro" hiệu Canon EOS trị giá hơn 2.500 USD cầm chưa nóng tay cậu đã bị giữ lại nơi hải quan khi bị kiểm tra đột xuất và không xuất trình đủ giấy tờ. Họa vô đơn chí, nhân viên an ninh lần ra thủ đoạn của N. Kết quả là cậu phải nộp phạt tới gần chục ngàn đô, may mà chưa bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Đỗ Ngọc Duy Trác, Giám đốc điều hành Mạng an toàn thông tin VSEC tâm sự: "Việc ship hàng giờ đây đã được Interpol tăng cường theo dõi mà vụ Cường và Lượng vừa rồi là một ví dụ. Đôi khi chỉ vì vài chục đô mà phải đánh đổi cả tấm bằng ĐH và cũng là tiền đồ của mình thì thật không đáng". Quan trọng hơn, dù cho các bạn trẻ biện minh bằng cách gì, dùng mỹ từ gì để gọi hành động bất hợp pháp của mình thì nó cũng phải được gọi đích danh là "ăn cắp". Kẻ ăn cắp thành quả lao động lương thiện của người khác bao giờ cũng bị lên án.