Trung Quốc vừa lập kỷ lục thế giới trong khi xây dựng cây cầu xuyên biển nối liền hai thành phố. Đó là gì?
Phần chính của cây cầu kết nối Thâm Quyến – Trung Sơn trị giá 6,7 tỷ USD hoàn thành vào ngày 28/11/2023. Tuyến đường xuyên biển này dài 24km và có một đường hầm dưới nước dài 6,8km. Điểm sâu nhất của hầm nằm ở dưới mực nước biển 39m. Các kỹ sư đang xây dựng hệ thống thoát hiểm thông minh cho tuyến đường để ứng phó nhanh chóng với các vụ tai nạn.
Với thiết kế thông minh, trung tâm chỉ huy khẩn cấp của tuyến đường kết nối Thâm Quyến – Trung Sơn có thể triển khai ngay hoạt động cứu hộ khẩn cấp chỉ với một nút bấm sau khi nhận được thông tin.
Đặc biệt, đường hầm còn trang bị 83 cửa thoát hiểm và một lượng lớn cảm biến, cung cấp sự bảo vệ tối đa cho hành khách. Thêm vào đó, các bến tàu cứu hộ khẩn cấp trên các đảo nhân tạo phía đông và phía tây. Bến phía đông rộng 2.200m2 và bến phía tây rộng 1.560m2 sẽ hữu ích trong trường hợp xảy ra ùn tắc giao thông nghiêm trọng trên tuyến đường này.
Công nhân giới thiệu kết cấu của đường hầm dưới nước dài 6,8km. (Ảnh: Chinadaily).
Dự kiến, tuyến đường kết nối Thâm Quyến – Trung Sơn sẽ được thông xe vào tháng 6/2024, giúp thời gian di chuyển giữa 2 thành phố từ 2 giờ xuống còn khoảng 30 phút.
Lập kỷ lục thế giới chỉ trong 1 ngày
Siêu dự án cầu Thâm Quyến - Trung Sơn có một đường hầm dưới biển. (Ảnh: Getty Images).
Cây cầu Thâm Quyến – Trung Sơn rộng 46m, gồm 8 làn đường, có các đảo nhân tạo và đường hầm dưới biển. Đơn vị xây dựng cây cầu này đã tuyên bố một kỷ lục thế giới. Đó là họ đã tiến hành lát hơn 22.600 m2 nhựa đường, tương đương với khoảng hơn 50 sân bóng rổ, chỉ trong 1 ngày.
Dự án cầu Thâm Quyến - Trung Sơn dự kiến đi vào hoạt động từ tháng 6/2024. (Ảnh: CGTN).
Siêu dự án cầu Thâm Quyến – Trung Sơn là một phần trong "kế hoạch 5 năm" lần thứ 13 của Trung Quốc để thúc đẩy nền kinh tế Khu vực Vịnh lớn. Đây là nơi sinh sống của khoảng 68 triệu người với diện tích 56,4 km2, bao gồm 11 thành phố, trong đó có Trung Sơn và Thâm Quyến. Do đó, sau khi cây cầu này được thông xe vào năm 2024, Khu vực Vịnh lớn sẽ trở thành một trung tâm kinh tế và công nghệ để có thể cạnh tranh với New York, San Francisco (Mỹ) hoặc Tokyo (Nhật Bản).
Các chuyên gia nhận định sau khi đi vào hoạt động, cây cầu trị giá 6,7 tỷ USD chắc chắn sẽ mang lại nhiều giá trị kinh tế bằng cách giảm đáng kể thời gian đi lại giữa hai thành phố, giảm lưu lượng giao thông.