Hóa thạch của sinh vật này đang giúp các khoa học gia củng cố thêm giả thuyết về sự sống trên Trái đất.
Cổ sinh vật tiết lộ quá trình tiến hóa của Trái Đất
Sự sống trên Trái đất xuất hiện từ 4,1 tỉ năm trước. Nhưng phải đến thời điểm 542 triệu năm trước, sau vụ nổ Cambrian, sự sống trên Trái đất mới bắt đầu tiến hóa, trở nên phức tạp và đa dạng hơn giống như sinh vật ngày nay.
Tuy nhiên, các bằng chứng hóa thạch mới đây cho thấy các sinh vật sống thực tế đã tiến hóa rất mạnh ở thời điểm trước khi vụ nổ xảy ra. Cụ thể hơn, đó là hóa thạch của cổ sinh vật Tribrachidium - một sinh vật bí ẩn.
Hóa thạch Tribrachidium - sinh vật bí ẩn 550 triệu tuổi.
Để nghiên cứu sâu hơn, các chuyên gia thuộc ĐH Toronto Mississauga (Canada) đã sử dụng hệ thống mô phỏng máy tính nhằm xác minh cơ chế hấp thụ dinh dưỡng dựa trên hóa thạch này. Tiến sĩ Marc Laflamme - đồng tác giả nghiên cứu cho biết: "Tribrachidium không giống bất kỳ sinh vật nào thời hiện đại. Vì thế, việc xác định xem trông nó thế nào khi còn sống là một điều khó khăn".
Tuy nhiên, các bước xét nghiệm ban đầu cho thấy Tribrachidium sống dưới đại dương, và có khả năng tự hút thức ăn mà không cần di chuyển. Điều này chứng tỏ sinh vật này có thể được xếp vào loại: Passive Suspension feeder (Tạm dịch: Ăn bằng cách chờ đợi thụ động). Nếu đúng, đây sẽ là bằng chứng cổ xưa nhất về cơ chế hấp thụ dinh dưỡng này trong lịch sử Trái đất.
Bản scan nghệ thuật của Tribrachidium. (Ảnh: Masato Hattori).
Theo tiến sĩ Simon Darroch thuộc ĐH Vanderbilt (Mỹ): "Trong nhiều năm, giới khoa học tin rằng sinh vật cổ xưa nhất có cấu tạo phức tạp có 2 cách để hấp thụ dinh dưỡng. Nhưng với nghiên cứu này, chúng ta có thể thấy quan niệm này là sai. Tribrachidium, thậm chí là các loài khác đều có cơ chế chờ đợi thụ động".
Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Science Advance.