Theo Sicence Alert, chúng là "quần thể sinh vật Ediacaran", một tập hợp các dạng sống đại dương cổ đại tồn tại từ 570-539 triệu năm về trước. Phân tích mới cho thấy chúng có tương đồng di truyền đáng kinh ngạc với các động vật đa bào hiện đại, bao gồm con người.
Nhà cổ sinh vật học Mary Droser từ Đại học California ở Riverside (Mỹ) cho biết các Ediacaran không đầu, không có bộ xương hay tay chân. Một số trong giống như… những chiếc áo tắm trôi nổi giữa biển, một số giống như chiếc đĩa tròn bị ai đó vứt xuống đáy đại dương.
Ảnh đồ họa tái hiện lại loài Dickinsonia hơn nửa tỉ năm tuổi - (Ảnh: ĐẠI HỌC QUỐC GIA ÚC).
Trong nghiên cứu mới mà tiến sĩ Droser dẫn đầu cùng với nhà cổ sinh vật học Scott Evans từ Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Quốc gia Smithsonian, họ đã xem xét 4 loài là Ediacaran là Dickinsonia, Ikaria, loài sên Kimberella và "bán cầu đốm màu" Tribrachidium.
Các hóa thạch hé lộ phần nào cách chúng di chuyển cơ thể và duy trì cuộc sống dưới đáy biển cổ đại, từ đó cho biết chúng có thể chứa một dạng hệ thần kinh thô sơ, được hỗ trợ và được điều chỉnh bởi cùng một loại yếu tố điều hòa di truyền vẫn được sử dụng bởi động vật sống ngày nay, bao gồm cả con người.
"Phân tích này chứng minh rằng các con đường di truyền đa bào, cực trục, hệ cơ và hệ thần kinh có thể có ở một số loài động vật ban đầu này" – nhóm tác giả viết trong bài công bố trên Proceedings of the Royal Society B.
Nghiên cứu mới này đã chỉ ra một loạt các gene có thể ảnh hưởng đến tính đa bào, khả năng miễn dịch, thần kinh, sự chết tế bào theo chương trình, mô hình trục (phân biệt các bên của cơ thể, như trước hoặc sau và trái hoặc phải)… Những gene hoạt động trong các quái vật nửa tỉ tuổi này đã được di truyền qua nhiều loài và tồn tại cho đến ngày nay.
Trước đó, một số Ediacaran khác đã từng được kết nối với con người và các sinh vật hiện đại. Đơn cử Ikaria wariootia, sinh vật chỉ to bằng hạt gạo, trông như một đốm màu trôi nổi giữa đại dương, được cho là tổ tiên sớm nhất của tất cả các động vật có cơ thể đối xứng 2 bên, tất nhiên bao gồm con người chúng ta.