Sinh vật ngoài hành tinh đang ẩn nấp dưới lòng đất?

Con người có thể chạm mặt sinh vật ngoài hành tinh, thậm chí còn sống, nếu khoan sâu vào lòng đất sao Hỏa.

Tại cuộc họp thường niên của Liên minh Địa vật lý Mỹ (AGU), nhóm nghiên cứu đại diện bởi phó giáo sư Joseph Michalski (Khoa Khoa học trái đất, Đại học Hồng Kông) đã nhấn mạnh về khả năng tồn tại những công dân sao Hỏa dưới dạng vi khuẩn bên dưới lòng đất của hành tinh này, y như cách mà các thế giới dưới lòng đất ở Trái đất tồn tại.


InSight, chiến binh tìm kiếm sự sống mới của sao Hỏa - (ảnh: NASA).

Theo giáo sư Michalski, các sứ mệnh sao Hỏa vừa qua nhắm vào việc tìm kiếm sự sống trên bề mặt hành tinh, tại những địa điểm có dấu hiệu của nước cổ đại. Tuy nhiên, ngay từ khi chưa có sự sống nào xuất hiện trên bề mặt sao Hỏa, có thể đã có rất nhiều "công dân sao Hỏa" dưới dạng vi khuẩn tụ tập dưới lòng đất.

Nghiên cứu dựa trên mô hình phát triển sự sống của các hành tinh, mà hành tinh được sử dụng để đối chiếu chính là Trái đất. Trong những thập kỷ gần đây, các cuộc thám hiểm dưới lòng đất trên Trái đất đã tiết lộ các sinh quyển sâu. Với nhiều đặc điểm tương đồng, sự sống trong lòng đất của hành tinh đỏ có thể được hình thành tương tự.

Các dữ liệu cũng cho thấy vài tỉ năm trước, khi Hệ Mặt trời còn non trẻ, sao Hỏa đã từng khá giống với Trái đất nhưng sau đó nó bị mất dần từ trường. Do đó, nó bị bắn phá bởi bức xạ cực mạnh từ các yếu tố khác trong không gian, dẫn đến việc sinh tồn trên mặt đất vô cùng khó khăn.

Trao đổi với tờ Live Science, phó giáo sư Michalski cho biết trước đó các nhà khoa học đã chứng minh rằng sự sống sao Hỏa và Trái đất hình thành gần như đồng thời, khoảng 3,8 đến 3,9 tỉ năm trước, trong một số môi trường trên cả hai hành tinh, bao gồm môi trường thủy nhiệt dưới lòng đất khá giống những gì chúng ta trông thấy trên Trái đất ngày nay. Thời điểm này trước sự kiện sao Hỏa mất từ trường và vì vậy, lòng đất vẫn có thể bảo tồn sự sống đó.

Nhóm nghiên cứu ước tính cộng đồng ngầm trên sao Hỏa có thể đã tiến hóa rất phong phú và đa dạng. Trên Trái đất, ước tính số vi khuẩn trong sinh quyển sâu chiếm gần phân nửa tổng số sinh vật trên hành tinh. Các nhà khoa học thậm chí tin rằng lòng đất của sao Hỏa còn dễ sống hơn trái đất, do đá dưới bề mặt sao Hỏa xốp hơn, có thể tạo thành các túi để trao đổi chất và dưỡng khí. Lõi nóng chảy của sao Hỏa có nhiệt độ thấp hơn nên các vi khuẩn sẽ có môi trường dễ chịu hơn khi sống trong đá sâu.

Trước đó, nhóm nghiên cứu đa quốc gia thuộc dự án Đài quan sát carbon sâu dưới lòng đất (DCO) đã công bố phát hiện về một sinh quyển "thây ma" được phát hiện khi khoan sâu 2,5km xuống đáy biển ở trái đất. Ước tính thế giới này đã tồn tại hàng ngàn, thậm chí hàng chục triệu năm trong điều kiện ánh sáng, áp lực, nhiệt độ có vẻ hoàn toàn không thích hợp để sống. Sinh quyển ngầm này rộng tới 2-2,3 tỉ km3, tức gần gấp đôi toàn bộ đại dương trên bề mặt trái đất cộng lại.

Cập nhật: 18/12/2018 Theo NLĐ
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video