Sau khi xem những bức ảnh chụp các tảng đá kỳ quặc mà tàu thăm dò Perseverance gửi về từ sao Hỏa, các nhà khoa học NASA rất muốn biết về nguồn gốc của chúng.
Theo trang livescience.com, trong suốt 5 tuần qua, tàu thăm dò Perseverance chủ yếu tập trung hỗ trợ và ghi lại hình ảnh các chuyến bay của chiếc trực thăng mini nặng 1,8kg Ingenuity.
Hình ảnh những tảng đá bí ẩn trên sao Hỏa. (Ảnh: NASA)
Tuy nhiên, trong lúc “rảnh rỗi”, Perseverance cũng làm các công việc khoa học của riêng mình.
Với hệ thống hình ảnh độ nét cao Mastcam-Z, tàu Perseverance đã chụp nhiều ảnh về khu vực xung quanh mình trên sao Hỏa, tức là khu vực miệng núi lửa Jezero rộng 45km – nơi mà tàu và trực thăng đã hạ cánh ngày 18/2.
Tàu cũng nghiên cứu chi tiết các tảng đá xung quanh bằng hai thiết bị là laser SuperCam và camera WATSON gắn ở cuối cánh tay robot.
Hình ảnh một ngọn đồi trong miệng núi lửa Jerezo. (Ảnh: NASA).
Các tảng đá mà Perseverance chụp đã khiến nhóm khoa học NASA tò mò. Họ muốn biết các tảng đá này có nguồn gốc núi lửa hay trầm tích.
Đá núi lửa có thể được coi như là đồng hồ địa chất, giúp các nhà nghiên cứu hiểu rõ hơn về lịch sử và quá trình hình thành của Jezero – nơi có một cái hồ và một lưu vực sông từ cách đây hàng tỷ năm.
Trong khi đó, đá trầm tích có thể lưu giữ những dấu vết quan trọng về sự sống trên sao Hỏa nếu từng tồn tại sự sống ở đây.
Nhà khoa học Ken Farley tại Viện Công nghệ California ở Pasadena, Mỹ cho biết: “Khi nhìn vào bên trong tảng đá, bạn có thể thấy được cả một câu chuyện”.