"Cái Càn Long có thì Hòa Thân cũng có, thế nhưng cái Càn Long không có thì chưa chắc Hòa Thân đã không có" là câu nói người đời dùng để diễn tả sự giàu có của Hòa Thân.
Hòa Thân còn có tên khác là Hòa Khôn, thuộc tộc Nữu Hỗ Lộc của Mãn Châu, sinh năm 1750 (năm Càn Long thứ 15), mất ngày 22 tháng 2 năm 1799, là một vị quan đại thần của triều Mãn Thanh thời vua Càn Long.
Đại quan tham bậc nhất Trung Hoa
Thiếu thời nhà Hòa Thân rất nghèo, nghèo đến nỗi không có đủ 10 lượng bạc nộp cho quan để xin nhận lại chức quan nhỏ của cha truyền lại. Nhờ ông Liêm (sau này là cha vợ) cho 10 lạng bạc mà Hòa Thân có cơ hội bước vào quan trường. Khi mới ra nhập triều đình, Hòa Thân giữ chức vị thị vệ. Tuy còn trẻ nhưng Hòa Thân đã sớm có năng lực làm việc xuất sắc và có các đóng góp nhất định cho triều đình.
Hòa Thân được Càn Long rất tín nhiệm, trọng dụng. Theo như lời đồn đại, Càn Long có một ấn tượng rất đặc biệt với vẻ ngoài của Hòa Thân. Vẻ ngoài ấy hao hao giống với một người tì thiếp đã bị thất sủng và qua đời do lỗi của Càn Long khi ông còn nhỏ. Chính bởi điểm này mà Càn Long thường có sự ưu ái đặc biệt dành cho Hòa Thân, luôn bỏ qua các sai sót và nuông chiều ông ta. Nhờ điều này cộng với năng lực vốn có của bản thân mà Hòa Thân sau này tiến thân rất nhanh trong sự nghiệp, được thăng các thứ hàm quan trọng như: Đại học sĩ, Quân cơ đại thần, Cửu môn đề đốc.
Tranh vẽ Hòa Thân.
Dưới sự ưu ái của Càn Long, trong những năm tháng làm quan, số lần vơ vét, thao túng, ăn hối lộ, và tham nhũng của cải nhà nước của Hòa Thân là không thể đếm xuể. Của cải của Hòa Thân nhiều đến mức trong dân gian có một lời đồn tương truyền rằng "Cái Càn Long có thì Hòa Thân cũng có, thế nhưng cái Càn Long không có thì chưa chắc Hòa Thân đã không có". Ông ta đặt ra luật "Nghị tội ngân" - lấy bạc để chuộc tội, nên quan lại càng trở nên tham nhũng khủng khiếp. Thế lực của Hòa Thân ngày càng mạnh khi con trai ông ta là Phong Thân Ân Đức kết hôn với người con gái thứ mười rất được yêu quý của Càn Long là công chúa Cố Luân Hòa Hiếu.
Hình ảnh nhân vật Hòa Thân cùng vua Càn Long trên phim ảnh.
Phải mãi đến sau khi Càn Long qua đời vào ngày 7 tháng 2 năm 1799, hoàng đế Gia Khánh mới có thể truy cứu các tội danh của Hòa Thân. Ngày 12 tháng 2, Hòa Thân bị bắt cùng với Phúc Trường An. Sau khi bị hạch tội, Gia Khánh đã ra chỉ dụ phán xử Hòa Thân lăng trì, tịch thu gia sản. Tuy nhiên sau đó, Gia Khánh lại quyết định tránh cho Hòa Thân khỏi một cái chết đau đớn, thay vào đó bắt ông tự vẫn tại phủ, về phần gia quyến thì được miễn tội tru di.
Số tài sản khổng lồ khiến người đời kinh ngạc
Trong 24 năm từ khi Hòa Thân bắt đầu được Hoàng đế Càn Long để mắt và sủng ái, vị đại thần này đã gom góp được một số tài sản lớn tới khó tin. Sự giàu sang của ông ta được thể hiện qua số tài sản bị tịch thu, gồm có:
Vàng bạc được chất kín trong phủ Hòa Thân. (Ảnh minh họa).
- Kim tiền: 60.000 lạng vàng bọc đồng, 100 thỏi vàng lớn nguyên chất (1kg mỗi thỏi), 56.600 thỏi bạc cỡ vừa (100 lạng mỗi thỏi), 9 triệu thỏi bạc nhỏ (10 lạng mỗi thỏi), 58.000 cân tiền ngoại, 1.500.000 đồng tiền xu.
- Đất đai, nhà cửa: 3.000 phòng, 8.000 mẫu đất (32 km²), 42 ngân hàng, 75 tiệm cầm đồ.
- Ngọc ngà, đá quý: 1.200 miếng ngọc bội, 230 chuỗi ngọc trai (mỗi viên ngọc trai có cỡ gần tương đương quả anh đào lớn), 10 viên ngọc trai lớn (cỡ tương đương quả nhãn)10 viên hồng ngọc, 40 viên ngọc bích lớn.
- Các đồ vật quý giá khác: 11 tảng san hô (mỗi tảng cao hơn 1m), 14.300 xấp lụa tốt, 20.000 tấm len lông cừu loại tốt, 550 tấm da cáo, 850 tấm da gấu, 56.000 tấm da cừu và da gia súc với độ dày khác nhau, 7.000 bộ quần áo tốt (mặc trong cả bốn mùa), 361.000 chiếc bình bằng đồng và thiếc, 100.000 đồ sứ được làm bởi các nghệ nhân có tiếng, 24 cái giường bằng vàng ròng có trang trí tinh xảo (mỗi giường có gắn trung bình 8 loại đá quý khác nhau), 460 cái đồng hồ tốt của châu Âu.
Ngoài ra, trong phủ còn có 600 tì thiếp, còn gia nhân thì không thể tính hết.
Vương Phủ của Hòa Thân.
Tổng cộng gia sản của Hòa Thân ước lượng vào khoảng 1.100 triệu lạng bạc, nhiều lời đồn cho rằng nó còn tương đương số tiền mà quốc khố nhà Thanh phải mất 15 năm mới thu được. Trong nhà Lưu Quân, tổng quản phủ Hòa Thân, một số lượng lớn châu báu nữa bao gồm 240.000 lạng bạc cũng bị tịch thu.
Lời lý giải về sự giàu có của Hòa Thân
Hòa Thân có 2 vật trấn trạch được cất giấu trong hòn giả sơn trước nhà đó là con Tỳ Hưu và chữ Phúc do chính vua Càn Long viết tặng bà nội nhân ngày mừng thượng thọ không biết bằng cách nào lọt vào tay Hòa Thân. Tỳ Hưu là linh vật có hình dáng hao hao giống Kỳ Lân và thường Tỳ Hưu được thờ phụng với ngụ ý nghĩa mang tới sự tài lộc bình an cho người sở hữu chúng. Khi đập vỡ hòn giả sơn, các quan mới phát hiện trong núi đá ấy có con Tỳ Hưu, mà con Tỳ Hưu của Hòa Thân lại còn to hơn Tỳ Hưu của vua. Ngọc để tạc con Tỳ Hưu của Hoà Thân là ngọc phỉ thúy xanh lý mát rượi, trong khi vua chỉ dám tạc bằng bạch ngọc. Bụng và mông con Tỳ Hưu của Hòa Thân to hơn bụng, mông con Tỳ Hưu của vua và như thế khiến Hòa Thân nhiều vàng bạc hơn vua.
Hòa Thân và Tỳ Hưu. (ảnh tượng trưng).
Sau khi tịch thu con Tỳ Hưu, vua Gia Khánh không có cách nào tịch thu chữ "Phúc" do Càn Long viết bởi nó đã được gắn chết vào đá hồng ngọc; nếu đập đá ra lấy chữ thì đá sẽ vỡ, như vậy đồng nghĩa với "phúc tan". Mà chữ thì do vua Khang Hy viết nên không ai dám phạm thượng. Thế là đành để "Phúc" lại cho nhà Hòa Thân, có lẽ vì thế nên dù phạm nhiều tội tày đình nhưng Hòa Thân chỉ chết một mình, thay vì phải bị tru di tam tộc.