Vụ va chạm có thể xóa sổ ngay một thành phố lớn trong tích tắc hay tạo ra sóng thần, đồng thời, bụi, khói và tro tàn từ những khu rừng bị cháy sẽ khiến bầu không khí toàn cầu gần như không thể thở.
Một tiểu hành tinh khi đâm xuống Trái Đất sẽ gây ra những hậu quả thảm khốc.
Trong thời gian qua, liên tục có thông tin về các tiểu hành tinh bay sượt qua trái đất và hoàn toàn có khả năng một ngày nào đó sẽ có sự va chạm với hành tinh của loài người. Vậy khi đó điều gì sẽ xảy ra?
Các nhà khoa học Nga đã tính toán vụ va chạm của một tiểu hành tinh rộng 1km với Trái Đất có thể xóa sổ ngay một thành phố lớn trong tích tắc hay tạo ra sóng thần.
Theo Đài phát thanh Sputnik, dựng lên một kịch bản thường thấy trong các bộ phim khoa học viễn tưởng, các chuyên gia đến từ Viện Nghiên cứu Khoa Học thuộc Bộ Tình huống Khẩn cấp Nga, Viện Thiên văn học và Viện Động lực Địa quyển Nga đã đưa ra phán đoán nếu một tiểu hành tinh có kích thước 1km khi đâm xuống Trái Đất sẽ gây ra những hậu quả thảm khốc.
Trong một nghiên cứu vừa được công bố mới đây, các nhà khoa học giải thích với những tiểu hành tinh có kích thước lớn như vậy sẽ không bị đốt cháy trong quá trình lao qua bầu khí quyển của Trái Đất và lượng năng lượng mà chúng giải phóng hay ảnh hưởng đủ để tạo ra các sóng địa chấn có thể lan mạnh tới hàng trăm km và thiêu trụi một khu vực rộng lớn.
Theo kết quả nghiên cứu, các bức tường gạch dày 24-36 cm sẽ bắt đầu bị vỡ vụn khi chịu một sức ép khoảng 20 kPa, và tường bê tông cùng kích thước sẽ hoàn toàn bị phá hủy khi chịu áp lực 35 kPa. Khu vực bị ảnh hưởng dưới áp lực vượt 35 Kpa rơi sẽ lan rộng khoảng 400 km.
Các nhà khoa học cũng cảnh báo tất cả các hậu quả thảm khốc trên sẽ xảy ra chỉ trong tích tắc khi tiểu hành tinh va vào bề mặt Trái Đất, và chỉ sau 10 phút, toàn bộ khu vực bị ảnh hưởng sẽ bị bao trùm bởi làn khói bụi dày lan rộng tới 800 km.
Bên cạnh đó, khi kết hợp với bụi trong không khí do ảnh hưởng từ vụ va chạm, khói và tro tàn từ những khu rừng bị cháy lớn sẽ khiến bầu không khí toàn cầu gần như không thể thở được.
Không chỉ có vậy, kết quả của việc gây nhiễu điện từ có thể ảnh hưởng nghiêm trọng tới hệ thống viễn thông và vệ tinh định vị trên toàn thế giới.
Tuy nhiên, một điểm sáng duy nhất trong báo cáo nghiên cứu lần này là các nhà khoa học kết luận những vụ va chạm thảm khốc như trên chỉ xuất hiện 1 triệu năm 1 lần.
Trước đó, vụ thiên thạch rơi xuống thành phố Chelyabinsk thuộc dãy Ural (Nga) đã phát nổ trên khoảng diện tích rộng 30 km vào ngày 15/2/2013 cũng khiến hơn 1.000 người bị thương và làm hư hại hơn 3.700 tòa nhà. Mẩu thiên thạch rơi tại Nga có khối lượng tới 10.000 tấn, và chỉ rộng 17m.