"Sơn thông minh" lọc không khí, chặn virus Corona trong 15 phút

Các nhà nghiên cứu nhận thấy sơn Airlite có thể tiêu diệt 99% phân tử của chủng virus Corona NL63 trong chưa đầy 15 phút, nhờ thúc đẩy sự hình thành các hạt ion giúp phá.

Tờ Daily Mail đưa tin hãng sản xuất sơn Airlite tuyên bố loại “sơn thông minh” này có khả năng hấp thụ các chất ô nhiễm và mùi hôi, đồng thời tiêu diệt một số chủng virus Corona. Airlite cho biết mỗi mét vuông bề mặt được phủ sơn của hãng này có sức lọc không khí bằng một cây xanh cao lớn.


Các văn phòng của công ty bất động sản Grosvenor Britain & Ireland trở nên sạch sẽ hơn nhờ sử dụng sơn Airlite. (Ảnh: Daily Mail).

Các thí nghiệm trước đó cho thấy sơn trong nhà Purelight và sơn ngoài trời Sunlight của Airlite có tính năng kháng khuẩn và chống nấm mốc. Tuy nhiên, mới đây, nhóm chuyên gia tại tại Đại học College London (UCL) ở Anh đã kiểm tra tác động của loại sơn mới này đối với virus NL63. Đây là chủng virus thuộc họ Corona, cùng họ với virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Qua đó, nhà virus học Chiara Mencarelli cùng đồng nghiệp phát hiện sơn Airlite vô hiệu hóa trên 99% phân tử virus bám trên bề mặt của chúng. Mặc dù chưa được thử nghiệm, Airlite khẳng định sản phẩm của họ có thể đem lại hiệu quả tương đương đối với chủng virus gây ra đại dịch hiện nay.

Hiện tại, mới chỉ có một nhóm nhỏ các công ty xây dựng và quản lý bất động sản sử dụng sơn Purelight và Sunlight do nó được sản xuất ở dạng bột và cần quy trình pha chế đặc biệt. Tuy nhiên, phiên bản dễ sử dụng hơn sẽ được tung ra thị trường vào đầu năm 2021 với mức giá dự đoán từ 40 – 100 USD/thùng 2,5 lít, tùy thuộc vào loại trong nhà hay ngoài trời.

Theo hãng Airlite, sản phẩm sơn mới trên thúc đẩy sự sản sinh ra ion bằng ánh nắng Mặt trời, giúp hình thành một “lá chắn ion hóa” trên bề mặt che phủ. Khi một phân tử virus tiếp xúc với sơn Airlite, các ion hydroxide sẽ hút hydro từ lớp vỏ bằng lipid-protein của virus, đồng thời phá vỡ phân tử virus.


Không chỉ tốt cho sức khỏe, sơn Airlite còn góp phần tô điểm cho ngôi nhà của bạn nhờ bảng lựa chọn lên đến 180 màu. (Ảnh: Daily Mail).

“Trước đây, sơn tường đơn thuần chỉ mang tính chất trang trí, nhưng giờ đây, nó có thể đóng vai trò tích cực đối với sức khỏe của bạn. Chúng tôi đã chứng minh được hiệu quả của sơn Airlite trong việc tiêu diệt các loại virus và mới đây UCL phát hiện nó đủ mạnh để phá hủy virus Corona NL63”, ông Chris Leighton, Giám đốc quản lý Airlite tại Anh cho biết. Ngoài ra, tại các vùng thành thị ô nhiễm nặng, Airlite sẽ tạo ra bầu không khí trong lành hơn cho người sử dụng, giúp phòng chống nhiều bệnh về đường hô hấp.

Airlite bắt đầu cải tiến công thức sơn từ năm 2013. Hiện tại, các biện pháp hạn chế của chính phủ chưa cho phép hãng thử nghiệm khả năng đánh bại virus SARS-CoV-2. Tuy vậy, Airlite đã được chứng minh hiệu quả đối với chủng NL63, virus Enterovirus và virus cúm. Ông Chris Leighton tự tin rằng phương pháp phá vỡ lớp vỏ protein của virus cũng sẽ hoạt động hiệu quả đối với chủng gây COVID-19.

Tập đoàn bất động sản Grosvenor Britain & Ireland chính là một trong số ít doanh nghiệp sử dụng sơn chống khuẩn Airlite. Tại văn phòng của tập đoàn trên, Airlite được cho là phát huy hiệu quả trong việc làm sạch không khí, giúp giảm mức độ hiện diện các hợp chất hữu cơ dễ bay hơi gây bệnh hô hấp trong không khí đến 120 lần so với sơn tường thông thường. Tương tự, công ty xây dựng Bouygues UK cũng thử nghiệm sơn Airlite tại các công trình phòng học và ký túc xá đại họ. Kết quả cho thấy mật độ phân tử nitrogen dioxide trong không khí đã giảm đến 90%.

Cập nhật: 19/10/2020 Theo Báo Tin Tức
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Danh nhân thế giới

Khoa học vũ trụ

1001 bí ẩn

Ngày tận thế

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Lịch sử

Khoa học quân sự

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Bệnh và thông tin bệnh

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Virus Covid 19

Ứng dụng khoa học

Khoa học & Bạn đọc

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Góc hài hước

Video