Sóng thần chực chờ tấn công vùng ven biển Việt Nam

Vùng ven biển và hải đảo Trung Trung Bộ từ Đà Nẵng đến Quảng Ngãi, vùng ven biển Bắc Trung Bộ từ Nghệ An đến Quảng Trị, vùng ven biển Nam Trung Bộ đều có nguy cơ sóng thần.

Theo tài liệu do Viện Khoa học – Công nghệ Việt Nam công bố gần đây cho thấy các vùng nói trên có mức độ nguy hiểm sóng thần hiện hữu với độ cao sóng cực đại từ 4 – 6m trong chu kỳ 475 năm hoặc 950 năm. Điều may mắn, không phải tất cả các vùng ven biển Việt Nam đều có nguy cơ sóng thần và càng không phải là nguy cơ cao như nhau.

Đà Nẵng tới Quảng Ngãi hứng chịu sóng thần

Dựa trên nhiều mô hình tính toán khác nhau, các nhà nghiên cứu thuộc Viện Vật lý địa cầu đã đưa ra nhiều kịch bản tình huống nguy cơ sóng thần đe dọa vùng ven biển và hải đảo Việt Nam. Theo các kết quả tính toán, vùng nguồn động đất gây sóng thần nguy hiểm nhất tại ven biển Việt Nam là động đất xảy ra tại đới hút chìm Manila.


Các vùng nguồn động đất và sóng thần trong vùng Biển Đông
(Ảnh: Nguyễn Hữu chụp lại từ tài liệu của Viện KH-CN Việt Nam).

Động đất có độ lớn cực đại 8 độ Richter trở lên tại đới đứt gãy này có khả năng gây sóng thần nguy hiểm trên vùng ven biển Việt Nam. Còn động đất có độ lớn cực đại 8,5 độ Richter trở lên xảy ra tại đới đứt gãy này có thể gây sóng thần ảnh hưởng tới toàn bộ vùng biển Việt Nam, từ Quảng Ninh tới Cà Mau. Vùng nguồn động đất thứ hai có khả năng gây nguy hiểm cho bờ biển Việt Nam là vùng nguồn ở khu vực ngoài khơi Bắc Trung Bộ, phía nam đảo Hải Nam.

Tuy nhiên, theo những đánh giá hiện nay, những động đất mạnh như đã nói ở trên ít có khả năng xảy ra... Những nghiên cứu khác thì cho thấy, có thể xác định được 3 vùng nguồn gây động đất có kèm theo sóng thần trên Biển Đông. Vùng nguồn nguy hiểm nhất là đới hút chìm Manila. Hai vùng nguồn ít nguy hiểm hơn là vùng nguồn tại đới đứt gãy nam Hải Nam và vùng nguồn tại đới hút chìm Ryukyu (Nhật Bản). Khu vực có khả năng chịu ảnh hưởng mạnh nhất của sóng thần là khu vực Trung Trung Bộ, từ Đà Nẵng tới Quảng Ngãi.

Thiệt hại khôn lường

Theo những dự báo trên, các nhà khoa học thuộc Viện Vật lý địa cầu đã xây dựng bản đồ nguy hiểm sóng thần cho toàn quốc. Bản đồ này được xây dựng từ 8 trận động đất kịch bản xảy ra trên đới hút chìm Manila dựa theo chương trình tính bản đồ độ nguy hiểm sóng thần do các chuyên gia Viện Địa chất và hạt nhân New Zealand viết riêng cho Việt Nam.


Theo dõi hoạt động động đất sóng thần tại Trung tâm báo tin động đất và cảnh báo sóng thần trực thuộc Viện Vật lý địa cầu (Ảnh: Như Ý).

Theo bản đồ, vùng biển Tam Kỳ, Quảng Ngãi là nơi có khả năng bị ảnh hưởng sóng thần rất lớn, sóng cao tới hơn 6m ở chu kỳ 950 năm, hơn 5m ở chu kỳ 475 năm. Cũng với các chu kỳ trên, TP Đà Nẵng độ cao sóng khoảng 5-6m, hoặc 4-5m. Vùng ven biển miền Trung từ Quảng Ngãi tới Tuy Hòa sóng cao khoảng 5-6m, hoặc 3-4m. Từ Tuy Hòa tới Phan Rang, Phan Thiết, ảnh hưởng sóng thần giảm bớt, độ cao khoảng 2-3m (chu kỳ 950 năm), khoảng 2m (chu kỳ 475 năm).

Thành phố Nha Trang đã được chọn để tính toán độ rủi ro sóng thần mà theo đó, khi mức nước ngập 2m, Nha Trang với diện tích 251km2, dân số 361.454 người sẽ chịu tổn thất về kinh tế 12 983 584 USD; 94 người chết (ngày) và 418 người chết (đêm). Còn khi mức nước ngập 8m, thiệt hại sẽ là 2.500.224.471 USD; 18.164 người chết (ngày) và 9.608 người chết (đêm).

Rãnh Manila, hay còn gọi là “đới hút chìm Manila” (Manila trench) thuộc khu vực biển Đông, nằm phía tây Philippines ở độ sâu khoảng 5.400m, trong khi độ sâu trung bình của biển Đông là 1.500m.

Rãnh Manila chưa gây ra trận địa động đất lớn nào trong ít nhất 440 năm qua, nên một số chuyên gia cho rằng áp lực rất lớn đang hình thành ở khu vực này, do đó có nguy cơ xảy ra đứt gãy lớn trong thời gian tới.

Trận động đất ở Ấn Độ Dương năm 2004 xảy ra trên đoạn đới hút chìm này tạo nên cơn sóng thần cướp đi mạng sống của 230.000 người ở hàng chục quốc gia, đặc biệt là Indonesia.

Theo Đất Việt
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Danh nhân thế giới

Khoa học vũ trụ

1001 bí ẩn

Ngày tận thế

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Lịch sử

Khoa học quân sự

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Bệnh và thông tin bệnh

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Virus Covid 19

Ứng dụng khoa học

Khoa học & Bạn đọc

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Góc hài hước

Video