Sốt xuất huyết bùng phát khắp thế giới

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ghi nhận 10 triệu ca sốt xuất huyết trong nửa đầu năm nay, cao "kỷ lục chưa từng có" với hơn 16.000 ca nghiêm trọng và 3.000 người tử vong.

Con số này cao gấp ba lần so với cùng kỳ năm 2023, làm nổi bật sự nguy hiểm của dịch, WHO nhận định. Mức tăng rõ rệt ở châu Mỹ, nơi số người mắc vượt quá 7 triệu vào cuối tháng 4.

Genesis Polanco Marte, 9 tuổi, đến phòng cấp cứu một bệnh viện tại Mỹ, tình trạng sốt, đau nhức cơ thể và mất nước. Em nhợt nhạt và uể oải, liên tục khó chịu khi một bác sĩ nhi khoa vuốt tóc và hỏi chuyện bằng tiếng Tây Ban Nha. Kết quả xét nghiệm cho thấy Marte là một trong 10 triệu người mắc sốt xuất huyết - đợt bùng phát chưa từng có bắt nguồn từ tình trạng biến đổi khí hậu, theo các nhà khoa học.

Căn bệnh này phổ biến ở Đông Nam Á, song thường bị các nước phương Tây bỏ qua. Nhiệt độ toàn cầu cao đã đẩy nhanh vòng đời và phạm vi hoạt động của muỗi mang virus. Theo thống kê, cứ 800 người thì một người mắc sốt xuất huyết trong 6 tháng đầu năm.

Lượng lớn bệnh nhân làm quá tải bệnh viện từ Brazil đến Bangladesh, gợi nhớ đến những ngày tồi tệ nhất của đại dịch Covid-19. Puerto Rico đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng vào mùa xuân, với nhiều ca mắc hơn năm ngoái. Giới chức y tế đang chuẩn bị cho khả năng virus xuất hiện tại các vùng ôn đới, gồm khu vực Nam Mỹ.

"Cơn bão sốt xuất huyết đang đến. Nó đang hoạt động ở Puerto Rico, nhưng sẽ sớm lây lan mạnh hơn", Grayson Brown, giám đốc điều hành Đơn vị Kiểm soát Côn trùng Puerto Rico cho biết.

Tuần trước, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ cảnh báo nguy cơ gia tăng sốt xuất huyết, đồng thời kêu gọi các bác sĩ cảnh giác với căn bệnh này. Tuy nhiên, khi số ca nhiễm đã tăng ở mức kỷ lục, đây vẫn là một trong những căn bệnh bị lãng quên nhiều nhất, theo WHO. Ba trong số 4 ca mắc có triệu chứng nhẹ hoặc không triệu chứng, khiến bệnh khó theo dõi.

Virus sốt xuất huyết có 4 chủng, tương đương 4 huyết thanh, nên các lần nhiễm bệnh tự nhiên trước đó không tạo miễn dịch cho tương lai. Điều khác khiến sốt xuất huyết nguy hiểm là các biến chứng nghiêm trọng, xảy ra khi người bệnh nhiễm liên tiếp hai chủng virus.

Hiện sốt xuất huyết không có cách chữa trị đặc hiệu. Các trường hợp nghiêm trọng có thể bị rò huyết tương từ tĩnh mạch, chảy máu trong, suy đa tạng và tử vong.

Các chuyên gia coi cuộc khủng hoảng ở Puerto Rico là dấu hiệu cảnh báo cho phần còn lại của thế giới và Mỹ. Nó cho thấy một đợt bùng phát có thể di chuyển nhanh chóng đến thế nào tại các cộng đồng có hạ tầng y tế yếu kém, trong tình trạng nhiệt độ toàn cầu tăng lên. Nghiên cứu cho thấy nếu không hành động quyết liệt, khoảng 2 tỷ người có nguy cơ mắc sốt xuất huyết trong 50 năm tới.


Genesis Polanco Marte, 9 tuổi, được điều trị sốt xuất huyết tại Bệnh viện Auxilio Mutuo ở San Juan, Puerto Rico, ngày 30/5. (Ảnh: Washington Post).

Biến đổi khí hậu là hiểm họa

Các viên chức y tế công cộng Puerto Rico đang chuẩn bị cho kịch bản số ca nhiễm tăng vọt khi hòn đảo bước vào mùa nóng và mưa. Giữa tháng 6, khu vực báo cáo hơn 1.500 ca bệnh, ít nhất hai người tử vong.

Thời tiết oi bức và giông bão lý tưởng cho muỗi Aedes aegypti, vật chủ trung gian của sốt xuất huyết hoạt động. Khác với muỗi truyền bệnh sốt rét (chỉ cần một lần đốt người trước khi đẻ trứng) muỗi Aedes aegypti di chuyển từ người này sang người khác, tăng khả năng lây lan bệnh tật mỗi lần cắn.

Ở các khu vực đô thị đông đúc của Puerto Rico, hầu hết gia đình không đủ khả năng lắp điều hòa, nên họ giữ mát bằng cách mở cửa sổ và cửa ra vào mà không có lưới chắn muỗi.

Trong khi đó, sự nóng lên toàn cầu tạo một đợt dịch nghiêm trọng. Khí thải nhà kính, chủ yếu từ việc đốt nhiên liệu hóa thạch, làm tăng nhiệt độ trung bình ở khu vực kể từ năm 1950, theo Trung tâm Thông tin Khí hậu Quốc gia. Sự thay đổi có lợi cho muỗi Aedes aegypti. Các nhà khoa học phát hiện điều kiện ấm có thể khiến loài côn trùng này phát triển nhanh, cắn nhiều người và đẻ nhiều trứng hơn. Nhiệt độ cũng khiến virus sốt xuất huyết dễ lây nhiễm, cho phép chúng sinh sôi nhanh chóng trong vật chủ.

Các quan chức lo ngại nhiệt độ cao tạo điều kiện cho các đợt bùng phát ở Mỹ. Gabriela Paz-Bailey, giám đốc chi nhánh sốt xuất huyết của CDC tại Puerto Rico cho biết: "Ngay cả một trường hợp ở khu vực không thường xuyên có sốt xuất huyết cũng tiêu tốn lượng lớn tài nguyên, tạo ra mối lo ngại trong công chúng".

Ở các vùng nhiệt đới trên khắp châu Mỹ Latinh, châu Phi và châu Á, sốt xuất huyết lưu hành chủ yếu vào những tháng mùa hè. Tuy nhiên, thời tiết ấm lên khiến căn bệnh kéo dài quanh năm. Trong khi đó, khí hậu thay đổi cho phép virus xâm nhập vào khu vực ôn đới và cộng đồng vùng cao. Nepal, nơi chưa từng ghi nhận ca xuất huyết nào trước năm 2004, đã chứng kiến hơn 50.000 ca trong năm qua.

Tại Việt Nam, ba tháng đầu năm nay, Hà Nội ghi nhận 513 ca sốt xuất huyết, tăng ba lần so với cùng kỳ năm ngoái.


Các nhân viên y tế đang diệt muỗi tại một trường tiểu học ở Puerto Rico. (Ảnh: Washington Post).

Tiêm chủng khó khăn

Thực tế, virus sốt xuất huyết có nhiều loại huyết thanh, cơ chế bất thường gây bệnh nặng, khiến việc điều trị và phòng ngừa đặc biệt khó khăn. Nhiễm một chủng virus có thể tạo kháng thể chống lại mầm bệnh trong tương lai. Nhưng các kháng thể tương tự liên kết với virus của một huyết thanh khác, tạo điều kiện cho chúng xâm nhập và gây bệnh nặng hơn.

Dengvaxia là loại vaccine duy nhất được cấp phép tại Mỹ, bảo vệ trẻ em trước tất cả 4 chủng sốt xuất huyết. Tuy nhiên, điều kiện tiêm chủng là trẻ từng mắc bệnh trước đó.

Tại Puerto Rico, rất ít người biết đến Dengvaxia. Quá trình tiêm chủng diễn ra chậm chạp, nhiều phụ huynh không nhận thức được mối nguy hiểm của sốt xuất huyết. Sau đại dịch, họ đã chán nghe thêm về việc tiêm vaccine.

Theo CDC, chỉ có 145 trẻ ở Puerto Rico bắt đầu tiêm chủng kể từ khi Dengvaxia có hiệu lực từ năm 2022, con số rất nhỏ so với 140.000 em đủ điều kiện.

Giờ đây, cơ hội tiếp cận vaccine càng thấp. Vài tháng trước khi Puerto Rico tuyên bố tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng, hãng dược Sanofi thông báo họ đã ngừng sản xuất Dengvaxia vì nhu cầu không cao. Các liều cuối cùng sẽ hết hạn vào tháng 8/2026.

Tháng 5, nhiều nước như Argentina, Brazil, Colombia và Indonesia đã chấp thuận vaccine thứ hai là Qdenga. Vaccine do công ty Takeda của Nhật Bản phát triển, được WHO khuyến nghị cho trẻ em từ 6 đến 16 tuổi, chỉ cần tiêm hai mũi và có thể sử dụng bất kể tình trạng nhiễm trùng trước đó. Tuy nhiên, công ty đã rút đơn đăng ký khỏi Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm vào tháng 7/2023 vì các vấn đề thu thập dữ liệu.

Viện Y tế Quốc gia Mỹ (NHS) đang phát triển loại vaccine thứ ba, thời gian dự kiến ít nhất một năm nữa.

Ở Việt Nam, hồi tháng 5, Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế, phê duyệt vaccine ngừa sốt xuất huyết Qdenga. Vaccine hiệu quả hơn 80%, dành cho trẻ từ 4 tuổi. Lịch tiêm hai mũi cách nhau ba tháng.

Cập nhật: 02/07/2024 VnExpress
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video