Công ty khởi nghiệp Starry vừa thông báo rằng họ sẽ mang dịch vụ Internet tốc độ Gigabit đến người dùng mà không cần xài cáp quang, thay vào đó tín hiệu sẽ truyền qua không khí. Hiện tại mạng di động cũng truyền qua không khí nhưng tốc độ 4G LTE cao nhất mới đạt được là chỉ vào khoảng vài trăm megabit mỗi giây mà thôi, chưa lên được 1 Gigabit chứ đừng nói là nhanh hơn.
Còn Starry sử dụng các bộ phát trung tâm với bán kính phát sóng 2km, mỗi khu vực sẽ có một vài trạm như thế và bạn chỉ cần đặt một thiết bị thu sóng ra ngoài cửa sổ là đã có thể bắt được tín hiệu (như ảnh dưới). Kết nối Internet từ bộ thu sẽ đi tiếp vào router Wi-Fi để xài với các thiết bị. Bạn có thể xài router do Starry cung cấp hay xài bất kì router Wi-Fi nào trên thị trường cũng được (cần hỗ trợ chuẩn Wi-Fi ac trở lên).
Công nghệ mà Starry sử dụng là milimeter wave, tức là dải sóng điện từ với bước sóng nằm trong khoảng 10mm đến 1mm.
Bước sóng này dài hơn nhiều so với tia X hay hồng ngoại nhưng ngắn hơn sóng radio hay microwave, và nó tương ứng với băng tần từ 30GHz đến 300GHz. Chính vì thế mà đôi khi nó còn được gọi là dải tần số siêu cao. Milimeter wave không có tầm phủ sóng rộng như mạng di động nhưng vẫn hơn Wi-Fi, Bluetooth... Đáng chú ý, loại sóng này có thể bị nhiễu bởi sương mù, mưa, tuyết nên có khả năng làm giảm tốc độ truyền dữ liệu trong điều kiện thời tiết xấu. Và sóng càng phải đi xa thì ảnh hưởng càng lớn.
Công nghệ mà Starry sử dụng là milimeter wave.
Việc sử dụng milimeter wave không phải là mới, vào năm 1997 đã có vài công ty muốn gây quỹ để phát triển loại công nghệ này và đưa nó vào thị trường tiêu dùng nhưng lúc đó còn bị nhiều giới hạn kĩ thuật, mô hình kinh doanh cũng chưa ổn. Hai thập kỉ sau, Starry lại xuất hiện với các cải tiến về kĩ thuật để giúp cạnh tranh tốt hơn vớp cáp quang truyền thống xét về tốc độ, độ tin cậy cũng như cách kiếm tiền ngon lành hơn.
Một giáo sư của Đại học New York cho biết trong thời gian gần đây các công nghệ mới đã được phát triển cho sóng millimeter wave và việc đạt tốc độ truyền tải gigabit mỗi giây là hoàn toàn có thể. Vấn đề bây giờ chỉ còn là bạn phải đặt các bộ thu phát sóng đủ gần nhau (bộ phát của Starry và bộ thu ở nhà mỗi người dùng). Starry cho biết họ có thể phục vụ mạng cho người dùng trong bán kính 2km tính từ bộ phát mạng trung tâm ngay cả khi bạn không trực tiếp nhìn thấy bộ phát đó, còn đại học New York thì chỉ mới thử nghiệm thành công ở tầm 200m. Chính vì thế mà nhiều chuyên gia tỏ ra nghi ngờ lời hứa của Starry, họ nói rằng nếu tầm 300-500m thì còn hợp lý, chứ 2km thì hơi khó.
Starry xác nhận tất cả những thách thức nói trên, cả tầm phát sóng lẫn khả năng hoạt động trong thời tiết xấu, và họ nói rằng họ đã đạt được những đột phá để giải quyết những vấn đề đó. Starry cũng tin rằng ý tưởng truyền mạng Gigabit ở khu vực đô thị sẽ sớm bùng nổ, khi đó họ có thể triển khai một số lượng lớn các trạm phát sóng trên nóc những tòa nhà cao tần hay thậm chí là nhà dân.