Start-up này muốn upload não bộ lên máy tính giúp mọi người bất tử

Chúng ta cần những bước nhảy vọt vĩ đại hơn nữa để kỹ thuật số những gì có trong đầu mình.

Nectome, một start-up triệu đô đang có ý tưởng giúp mọi người trở nên bất tử, ít nhất là linh hồn của họ. Bằng cách ướp não với một công thức đặt biệt, họ dự định sẽ chuyển các kết nối thần kinh của bạn thành mã code, rồi upload nó lên một hệ thống máy tính tự nhận thức sau khi bạn chết.

Hãy tưởng tượng đến cách mà tiến sĩ Arnim Zola của HYDRA tồn tại trong bộ phim Captain America. Đó cũng có thể là điều mà Nectome làm được trong tương lai.

Hiện tại, đã có ít nhất 25 người trả 10.000 USD để đặt hàng sử dụng dịch vụ của Nectome. Trong khi đó, công ty vẫn đang trong quá trình kêu gọi vốn và nghiên cứu.


Nectome muốn upload não bộ lên máy tính giúp mọi người bất tử.

Nectome vừa mới nhận một giải thưởng nghiên cứu khoa học trị giá 80.000 USD, sau khi họ tìm ra được một cách để bảo quản những tế bào thần kinh trong não một cách hoàn hảo. Thông thường, sau khi chúng ta chết khoảng 5 phút, sự gián đoạn dòng máu tới não sẽ khiến các tế bào thần kinh đầu tiên chết dần.

Bằng cách kết hợp kỹ thuật ướp và “thủy tinh hóa”, Nectome đã niêm phong mọi kết nối thần kinh trong một trạng thái hoàn hảo. Kỹ thuật này có thể được sử dụng để bảo quản bộ não nguyên vẹn trong hàng trăm, thậm chí hàng ngàn năm.

Ý tưởng của Nectome là trong thời gian chờ đợi này, các nhà khoa học sẽ tìm ra cách quét toàn bộ các kết nối trong não bộ và chuyển nó thành mã code để upload lên hệ thống máy tính, giúp khách hàng của họ sống lại và bất tử.

“Nếu não chết, nó giống như chiếc máy tính của bạn đang tắt. Nhưng điều đó không có nghĩa là những thông tin trong đó đã biến mất”, Ken Hayworth, một nhà thần kinh học chủ tịch Quỹ bảo tồn não tại Hoa Kỳ cho biết.

Với công nghệ và kỹ thuật hiện tại, việc quét và tái tạo lại các kết nối thần kinh trong não là nhiệm vụ bất khả thi. Một tế bào thần kinh đơn của não có thể liên kết với hơn 8.000 tế bào khác. Nhưng cũng theo Hayworth, trong vòng 100 năm nữa chúng ta có thể làm được. Và nếu bị mắc một căn bệnh nan y, ông cũng sẽ lựa chọn đóng băng não để chờ được upload.

Tại sao phải mắc bệnh nan y, Hayworth mới dám thử nghiệm phương pháp thủy tinh hóa não bộ này? Thực ra, cái giá cho hi vọng được bất tử chính là mạng sống của người tham gia. Các nhà khoa học của Nectome hiện tại chỉ có thể thủy tinh hóa các bộ não của người sống.

Như đã nói, chỉ trong vòng 5 phút sau khi tử vong, các tế bào thần kinh đã chết. Bởi vậy, não phải được bắt đầu bảo quản ngay khi tim bệnh nhân còn đập. Hiện tại, Nectome chỉ đang nhắm đến những bệnh nhân mắc bệnh nan y, những đối tượng mà mạng sống cuối đời của họ có thể được cống hiến hợp pháp.

Đối với các bệnh nhân này, Nectome sẽ cung cấp một hy vọng đánh thức bộ não của họ trong tương lai.

Thực ra, ý tưởng đông lạnh não bộ để chờ upload lên một hệ thống máy tính có nhận thức là không mới. Từ giữa thế kỷ 20, nhiều công ty đã bắt đầu đông lạnh cả cơ thể người với hi vọng khoa học của tương lai có thể đem những thi thể trở lại một dạng sống nào đó.

Liệu một bộ não đông lạnh có thể được sửa chữa để trở lại trạng thái hoạt động hoàn chỉnh, hoặc thậm chí dịch mã và upload lên máy tính hay không? Nó phụ thuộc rất nhiều vào những bước nhảy vọt công nghệ.

Ở thời điểm hiện tại, Nectome đã chứng minh rằng họ có khả năng bảo quản tốt bộ não, không làm hỏng các kết nối thần kinh quan trọng. Những rõ ràng, chúng ta cần những bước nhảy vọt vĩ đại hơn nữa để kỹ thuật số những gì có trong đầu mình, những kỷ niệm, suy nghĩ logic, tình cảm…

Về cơ bản, nếu làm được điều đó, bạn sẽ có khả năng sống bất tử trong một hệ thống máy tính. Điều cần làm lúc này là giải quyết được vấn đề triết học, rằng các hệ thống vật lý của não có thể đồng bộ với máy tính để tạo ra ý thức hay không.

Trước đây, các nhà khoa học đã có thể cấy não giun vào một chiếc xe Lego để điều khiển nó. Đây là một nghiên cứu đem lại hi vọng cho chúng ta trong tương lai.


Chúng ta có thể upload não bộ lên một hệ thống máy tính hay không?

Nhưng vẫn còn đó những tranh cãi về mặt đạo đức. “Bắt thế hệ tương lai gánh vác trách nhiệm với các ngân hàng não của chúng ta là một điều hài hước”, nhà khoa học thần kinh Michael Hendricks, Đại học McGill, nói. "Chúng ta chưa chất đủ gánh nặng lên vai con cháu hay sao?".

“Tôi hy vọng những người trong tương lai sẽ kinh hoàng khi thấy trong thế kỷ 21, những người giàu có và chẳng còn gì để làm trong quá khứ đã đổ tiền và nguồn lực của họ để cố sống bất tử trên lưng cháu của họ", Hendricks nói.

Ngay lúc này, chúng ta đang phải vật lộn với vấn đề bản quyền tài nguyên kỹ thuật số. Hãy tưởng tượng đến việc số hóa một não bộ, suy nghĩ và toàn bộ ký ức của một người. Làm sao chúng ta có thể quyết định những thứ đó với một người đã chết?

Mặc dù có nhiều thách thức, Nectome đã huy động được khoảng 1 triệu USD đầu tiên. Nguồn lực của họ đủ để tiếp tục các nghiên cứu trong một thời gian nữa. Sẽ còn một khoảng thời gian cho phép chúng ta chờ đợi sự phát triển của phương pháp bảo quản não trong thập kỷ tiếp theo.

Cũng chưa có gì phải nôn nóng vào lúc này. Khi kỹ thuật của Nectome yêu cầu người muốn “bất tử” thì phải bảo quản não ngay trong khi sống, đồng nghĩa với việc bị giết chết, chắc chắn không có ai đang yên đang lành lại muốn gửi linh hồn mình vào một chiếc máy vi tính.

Cập nhật: 22/03/2018 Theo Trí Thức Trẻ
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Danh nhân thế giới

Khoa học vũ trụ

1001 bí ẩn

Ngày tận thế

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Lịch sử

Khoa học quân sự

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Bệnh và thông tin bệnh

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Virus Covid 19

Ứng dụng khoa học

Khoa học & Bạn đọc

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Góc hài hước

Video