Hiện tượng băng tan tại Bắc Cực có thể khiến mực nước biển toàn cầu dâng thêm tới 1,6 m trong thế kỷ này, đe dọa nhiều vùng châu thổ và thành phố ven biển của Việt Nam, các nhà khoa học cảnh báo.
Các nhà khoa học tham gia dự án Theo dõi và Đánh giá Bắc Cực (AMAP) tại thành phố Oslo, Na Uy khẳng định 40% lượng nước mà các đại dương nhận thêm hàng năm có nguồn gốc từ băng và tuyết tan, AFP đưa tin.
Một báo cáo mới nhất của AMAP cho thấy nhiệt độ Bắc Cực đang tăng nhanh gấp đôi so với mức trung bình toàn cầu và 6 năm qua là giai đoạn nóng nhất mà con người từng ghi nhận tại Bắc Cực. Nhiệt độ Bắc Cực vào mùa hè trong 6 năm đó cao hơn hẳn so với vài thập kỷ trước. Chỉ trong vòng ba hoặc bốn thập niên nữa, Bắc Băng Dương có thể trở thành đại dương không có băng vào mùa hè.
Tình trạng trên khiến mực nước trong các đại dương dâng nhanh hơn so với mọi dự báo trước kia. "Mực nước biển toàn cầu có thể tăng từ 0,9 tới 1,6 m trong khoảng thời gian từ nay tới năm 2100. Sự tan chảy của các sông băng tại Bắc Cực và khối băng trên đảo Greenland sẽ là tác nhân quan trọng đối với sự dâng lên của mực nước biển", AMAP cho biết.
Băng ở Bắc Cực đang tan nhanh hơn so với mọi dự báo trước kia của giới khoa học. Ảnh: shm.com.au.
Nếu mực nước biển toàn cầu chỉ dâng thêm 0,9 m, những thành phố ven biển và vùng châu thổ thấp tại Việt Nam, Bangladesh, Trung Quốc và nhiều nước khác sẽ hứng chịu hậu quả xấu, AMAP cảnh báo.
Khi mực nước biển tăng, nhiều quốc đảo nhỏ sẽ bị nhấn chìm, vô số vùng đất trồng trọt sẽ nhiễm mặn và không thể sử dụng. Quy mô và sức mạnh của các cơn bão lớn cùng nhiều hiện tượng thời tiết dữ dội khác cũng tăng theo mực nước biển.
Đầu năm 2007, Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) từng tuyên bố mực nước của các đại dương có thể tăng thêm từ 18 tới 59 cm vào năm cuối cùng của thế kỷ này. Tuy nhiên, khi đó IPCC chưa tính tới tác động của hiện tượng băng tan, đặc biệt là từ đảo Greenland. Nếu băng trên đảo này tan hoàn toàn, mực nước biển toàn cầu sẽ tăng ít nhất 5 m.
[#RelatedNews(133)#]