Một vụ nổ lớn giữa 2 ngôi sao sẽ xảy ra trong khoảng thời gian từ nay đến tháng 9. Đây là sự kiện thiên văn hiếm gặp, và chỉ xảy ra khoảng 80 năm một lần.
Hệ sao đôi trong chòm sao Bắc Miện (Corona Borealis) thường ít được người yêu thích thiên văn chú ý, vì rất khó để nhìn thấy chúng trên bầu trời đêm bằng mắt thường.
Mô tả của một nghệ sĩ về sự tương tác giữa 2 ngôi sao trong chòm sao Corona Borealis. (Ảnh: Science Alert).
Thế nhưng một sự kiện hiếm gặp sắp xảy đến, khiến hai ngôi sao này trở thành tâm điểm của sự bàn luận. Cụ thể, sự trao đổi giữa hai ngôi sao này sắp gây ra một vụ nổ lớn.
Theo NASA, ánh sáng từ vụ nổ sẽ truyền qua vũ trụ, và khiến nó trông như thể một ngôi sao mới xuất hiện trên bầu trời, với độ sáng tựa như sao Bắc Đẩu, và có thể quan sát thấy bằng mắt thường.
Theo các nhà khoa học, sự kiện này chỉ xảy ra khoảng 80 năm một lần, và đây sẽ là lần thứ 3 con người chứng kiến sự kiện này. Những lần trước đó, sự kiện được phát hiện vào các năm 1866 và 1946 bởi nhà thông thái người Ireland John Birmingham.
Sumner Starrfield, một nhà thiên văn học tại Đại học bang Arizona, cho rằng các sao ngôi mới, hay còn gọi là các tân tinh, thường có chu kỳ phát nổ trong khoảng 100.000 năm.
Tuy nhiên, cấu tạo đặc biệt của hệ sao đôi T. Coronae Borealis cho phép chúng khởi động một phản ứng nhiệt hạch chỉ sau khoảng 80 năm. Vụ nổ sẽ chỉ diễn ra trong vài giây ngắn ngủi, với nhiệt độ có thể tăng lên 100-200 triệu độ C.
Bên cạnh hiện tượng nhật thực toàn phần diễn ra ở khu vực Bắc Mỹ vào ngày 8/4, đây có thể được xem là một trong những sự kiện thiên văn đáng chú ý nhất năm 2024.