Sứ mệnh Artemis 1 mở kỷ nguyên mới về khoa học liên hành tinh

Chuyến bay đầu tiên trong chương trình thám hiểm Mặt trăng Artemis sẽ bao gồm một loạt thí nghiệm khoa học để chuẩn bị cho các sứ mệnh tương lai.

Sứ mệnh Mặt trăng Artemis 1 đã không thể cất cánh vào hôm 29/8 theo kế hoạch ban đầu do sự cố về động cơ tên lửa, nhưng nó sớm được khởi động lại, có thể ngay trong tuần này, quản lý sứ mệnh Mike Sarafin của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) cho biết trong một cuộc họp báo hôm nay.


Tên lửa SLS và tàu vũ trụ Orion trên bệ phóng ở Florida hôm 29/8. (Ảnh: Reuters)

Nếu cơ hội phóng thứ hai diễn ra suôn sẻ, tên lửa Hệ thống Phóng không gian (SLS) sẽ đưa tàu vũ trụ Orion lên quỹ đạo Mặt trăng từ Trung tâm Vũ trụ Kennedy ở Florida, Mỹ, hôm 2/9.

Artemis 1 là sứ mệnh đầu tiên trong chương trình thám hiểm Mặt trăng Artemis, cũng như chuyến bay đầu tiên của SLS. Mục tiêu chính của sứ mệnh là chứng minh rằng cả hai phương tiện đã sẵn sàng để bắt đầu phóng phi hành gia lên Mặt trăng cũng như các điểm đến không gian sâu khác.

Chuyến bay thử nghiệm kéo dài 6 tuần này sẽ không chở phi hành đoàn, mà thay vào đó là ba hình nộm thử nghiệm va chạm công nghệ cao có tên là Zohar, Helga và Moonikin Campos. Chúng được trang bị một loạt các cảm biến để đo lường mọi thứ từ rung động đến bức xạ.

Ngoài các hình nộm, bên trong tàu Orion còn có nhiều trọng tải khoa học như hạt giống, tảo, nấm và nấm men được đóng gói cẩn thận để nghiên cứu cách bức xạ không gian ảnh hưởng đến sự sống của tế bào dựa trên ADN. Mục tiêu cuối cùng là giúp con người định cư trên các hành tinh ngoài Trái Đất như sao Hỏa.

Thông qua quan hệ đối tác trong ngành, sứ mệnh còn bao gồm một máy tính xách tay chạy cả trợ lý ảo Alexa và phần mềm hội nghị truyền hình Cisco Webex, để xem nó giao tiếp tốt như thế nào với trạm mặt đất ở Houston, Texas.

Artemis 1 cũng triển khai một số vệ tinh nhỏ cỡ hộp đựng giày - được gọi là CubeSat - để nghiên cứu bề mặt Mặt trăng và phân tích thành phần của nó.

Tuy nhiên, thử nghiệm có mức độ ưu tiên cao nhất là lá chắn nhiệt mới trên Orion để bảo vệ tàu vũ trụ khi nó quay trở lại bầu khí quyển với tốc độ cao kỷ lục, nhanh hơn cả tàu Con thoi. Điều này có thể khiến con tàu nóng lên tới 2.760 độ C.

"Đây không còn là thế hệ Apollo nữa, mà là thế hệ Artemis. Chúng ta sẽ quay trở lại Mặt trăng nhưng sẽ học hỏi và phát triển các công nghệ mới, bởi vì mục tiêu cuối cùng là hướng đến sao Hỏa", quản trị viên NASA Bill Nelson nhấn mạnh.


Mô phỏng tàu Orion bay trên quỹ đạo Mặt trăng trong sứ mệnh Artemis 1. (Ảnh: NASA)

Năm ngoái, NASA đã hạ cánh một robot tự hành cỡ xe tải trên sao Hỏa, triển khai máy bay trực thăng mini trong bầu khí quyển mỏng của hành tinh và gần đây nhận được những hình ảnh đầu tiên từ Kính viễn vọng Không gian James Webb.

Điều này phản ánh động lực công nghệ và khoa học mà Artemis muốn khai thác, sau sự thất bại của chương trình bay không gian có phi hành đoàn Constellation của NASA vào giai đoạn 2005 - 2009. Cựu tổng thống Mỹ Barack Obama đã khởi động chương trình Artemis vào năm 2010, đặt năm 2033 là năm mục tiêu cho con người chinh phục sao Hỏa.

Có rất nhiều thứ để tìm hiểu về Mặt trăng. Thomas Zurbuchen, người đứng đầu ban giám đốc khoa học của NASA, nhớ lại một bức ảnh yêu thích của Buzz Aldrin khi ông thực hiện thí nghiệm khoa học trên bề mặt Mặt trăng vào năm 1969: triển khai một miếng lá nhôm để thu thập gió mặt trời đang tỏa sáng trên bề mặt Mặt trăng với tốc độ 400 km/s. Đó là một ví dụ hoàn hảo về nhà du hành vũ trụ với tư cách là một nhà khoa học.

Một nhiệm vụ quan trọng của Artemis 1 là tìm hiểu những nguồn tài nguyên thiên nhiên, như nước hoặc khoáng sản, có thể có trên Mặt trăng. "Tất nhiên, những nguồn tài nguyên đó phải thực sự bất ngờ so với bức tranh về Mặt trăng mà chúng ta đã có trong quá khứ", Zurbuchen nói.

Ví dụ, nước đã được phát hiện trên Mặt trăng và hai trong số các CubeSat (vệ tinh cỡ nhỏ) trên tàu sẽ lập bản đồ nước đó theo những cách khác nhau: một sử dụng neutron và một sử dụng phổ hồng ngoại.

Một CubeSat khác, được gọi là NEA Scout, sẽ triển khai các "cánh buồm năng lượng mặt trời" rộng 86m2 trong vòng hai năm, hướng tới một tiểu hành tinh gần Trái Đất, sau đó chụp ảnh và phân tích hình dạng, khối lượng, đặc tính quay, mảnh vỡ, bụi và diện mạo bề mặt.

Artemis 1 là sứ mệnh đầu tiên trong chương trình thám hiểm Mặt trăng Artemis kể từ sau nhiệm vụ Apollo cuối cùng năm 1972. Sau gần 50 năm, NASA thành lập một chương trình nhằm đưa con người hạ cánh ở khu vực chưa khám phá trên Mặt trăng.

Theo lộ trình, sau khi Artemis 1 phóng thành công, nhiệm vụ không người lái này sẽ kiểm tra mọi bộ phận mới giúp mục tiêu khám phá không gian sâu trong tương lai trở nên khả thi. Sau đó, các phi hành gia sẽ thực hiện hành trình vào năm 2024 và 2025 trong nhiệm vụ Artemis II và Artemis III.

Cập nhật: 30/08/2022 VnExpress
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video