Sự phổ biến của khí cầu thời tiết trên bầu trời Mỹ

Trong bối cảnh ngày càng nhiều vật thể không xác định bị Không quân Mỹ bắn rơi, các chuyên gia cảnh báo vô số khí cầu có thể trở thành mục tiêu tiềm năng.

Mỹ sẽ cần nhiều tên lửa nếu muốn sử dụng chiến đấu cơ để bắn hạ mọi khí cầu khiến radar phát tín hiệu cảnh báo ở không phận Mỹ. Ở bất kỳ thời điểm nào, có hàng nghìn khí cầu phía trên Trái đất, bao gồm nhiều khí cầu được sử dụng ở Mỹ bởi các cơ quan chính phủ, lực lượng quân đội, nhà nghiên cứu độc lập và người chơi nghiệp dư, theo Paul Fetkowitz, chủ tịch Kaymont Consolidated Industries, nhà sản xuất khí cầu tầm cao lớn ở Melbourne, Florida. Fetkowitz và các chuyên gia khác cho biết, đội khí cầu này có thể lý giải nguồn gốc của một số vật thể di chuyển chậm ở độ cao lớn bị bắn hạ ở Mỹ và Canada trong những ngày gần đây, theo cách gọi của John Kirby, phát ngôn viên của Hội đồng An ninh Quốc gia.


Các nhà khoa học NASA chuẩn bị thả một trong 20 khí cầu trong nhiệm vụ khoa học vào năm 2013. (Ảnh: NASA)

Từ ngày 4/2, khi Mỹ bắn rơi khí cầu do thám lớn của Trung Quốc bay ở độ cao khoảng 19.3km ngang qua Bắc Mỹ, nhà chức trách liên bang đã tìm cách tăng cường radar và thiết bị theo dõi khí quyển để có thể giám sát không phận quốc gia kỹ càng hơn. Các chuyên gia về khí cầu cho biết nâng cấp mới có thể tạo ra hàng loạt báo động giả.

Hôm 10/2, chiến đấu cơ ở vùng biển Alaska bắn một vật thể lớn cỡ chiếc xe nhỏ mà một quan chức của Bộ Quốc phòng cho biết nhiều khả năng đó là khí cầu. Ngày hôm sau, máy bay F-22 của Mỹ tấn công vật thể hình trụ phía trên vùng Yukon ở Canada, có kích thước nhỏ hơn thiết bị do thám của Trung Quốc. Hôm 12/2, một cấu trúc hình bát giác với nhiều dây treo và không chở kèm thiết bị bị bắn rơi phía trên hồ Huron. Vật thể xuất hiện lần đầu tiên ở bang Montana trước đó vài ngày. Theo Kirby, cả ba vật thể là mối đe dọa đối với hàng không dân dụng nhưng chúng không truyền tín hiệu liên lạc.

Fetkowitz lo ngại các quan chức chính phủ ở Washington có thể không nhận thấy bầu trời Mỹ có nhiều khí cầu bay cao tới mức nào. Mỗi năm, khoảng 60.000 khí cầu tầm cao lớn được phóng bởi Cơ quan Thời tiết Quốc gia. Chúng bay tới tầng bình lưu, tầng khí quyển trải rộng tới độ cao 48 km. Khí cầu mà Cơ quan Thời tiết sử dụng được thiết kế để bay cao 32 km, vượt xa độ cao của 4 vật thể phát hiện trong 10 ngày qua, theo New York Times.

Fetkowitz nhấn mạnh Alaska, nơi chiến đấu cơ Mỹ bắn rơi vật thể bay không xác định hôm 10/2, có nhiều địa điểm phóng khí cầu thời tiết hơn bất kỳ bang nào khác. Khí cầu của Cơ quan Thời tiết thu thập dữ liệu giúp máy bay phản lực chở khách tránh khỏi nhiễu động và giúp các chuyên gia dự đoán những cơn bão mạnh.

Ngoài ra, trong nhiều năm qua, NASA, cơ quan đang tiến hành một chương trình từ Palestine, Texas, đã thả hơn 1.700 khí cầu lớn trong các nhiệm vụ khoa học kéo dài hàng tháng. Khí cầu bay cao tới 34 km, và chở khối lượng thiết bị nặng tới 4 tấn, tương đương 3 chiếc xe nhỏ. Một số khí cầu trang bị cảm biến khám phá tình trạng tầng ozone bảo vệ sinh vật trên Trái đất khỏi tia cực tím của Mặt Trời. Những chuyên gia trong ngành công nghiệp khí cầu tiết lộ DARPA (Cơ quan Chỉ đạo các Dự án Nghiên cứu Quốc phòng Tiên tiến) đang thử nghiệm một lớp khí cầu độ bền cao mới để sử dụng trên chiến trường, đóng vai trò chuyển tiếp liên lạc. Nhưng Randolph Atkins, phát ngôn viên của DARPA, phủ nhận thông tin trên.

Không chỉ riêng Mỹ thường xuyên sử dụng khí cầu. Nhiều nước trong 193 quốc gia và vùng lãnh thổ thành viên của Tổ chức Khí tượng Thế giới ở Geneva, thường thả khí cầu tầng bình lưu với số lượng lớn, một số được thiết kế cho nhiệm vụ dài hạn nhằm thu thập dữ liệu trên toàn cầu.

Theo Fetkowitz, khí cầu thời tiết mà Cơ quan Thời tiết Quốc gia thả được thiết kế để phát nổ ở điểm cao nhất và vỡ thành nhiều mảnh vụn nhỏ không gây nguy hiểm cho động vật hoang dã bên dưới. Tuy nhiên, vài khí cầu bị xẹp và không bao giờ bay đủ cao để phát nổ, do đó chúng bay trôi nổi theo chiều gió. "Một khí cầu thả ở Denver có thể bay lạc tới New Jersey", Fetkowitz nói.

Những nhà sử dụng khí cầu vì mục đích khoa học, thương mại và quân sự đối mặt nhiều chỉ trích trong quá khứ. Suốt nhiều năm, các nhà hoạt động vì môi trường tranh luận khí cầu phát nổ rơi trở lại mặt đất và đe dọa cảnh quan tự nhiên, đặc biệt là động vật biển. Marilynn Mendell, một nhà tư vấn quan hệ công chúng, từng tìm thấy mảnh vỡ khí cầu trên bãi biển vào năm 2016.

Tuy nhiên, không phải mọi khí cầu đều được sử dụng cho mục đích khoa học hoặc thương mại. Ví dụ, một khách hàng từng sử dụng khí cầu của công ty Fetkowitz để mang thiết bị bật album "The Dark Side of the Moon" của Pink Floyd. Một khí cầu khác chở đồ chơi hình đầu tàu của một đứa trẻ lên tầng bình lưu.

Cập nhật: 17/02/2023 VnExpress
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Danh nhân thế giới

Khoa học vũ trụ

1001 bí ẩn

Ngày tận thế

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Lịch sử

Khoa học quân sự

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Bệnh và thông tin bệnh

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Virus Covid 19

Ứng dụng khoa học

Khoa học & Bạn đọc

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Góc hài hước

Video