Một nghiên cứu mới đây của các nhà khoa học thuộc Học viện Công nghệ Massachusetts (MIT), được đăng tải ngày 19/12 trên tạp chí Nature, cho rằng sự sống trên Trái Đất đã bắt đầu có từ cách đây 3 tỷ năm khi những sinh vật đầu tiên phát triển khả năng hấp thu năng lượng từ ánh sáng Mặt Trời.
Ảnh mang tính minh họa. (Nguồn internet)
Các nhà khoa học của MIT đã xây dựng một bộ "hóa thạch gen" dựa trên một mô hình toán học với sự tập hợp của 1.000 gen chủ yếu ngày nay và tính toán xem làm thế nào mà chúng lại tiến triển khác xa so với quá khứ như vậy.
Nghiên cứu cho thấy bộ gen là tập hợp của tất cả các loài được cho là sống cách đây 3,3 đến 2,8 tỷ năm và trong thời gian này 27% các nhóm gen còn tồn tại đến bây giờ đã xuất hiện.
Các nhà nghiên cứu Eric Alm và Lawrence David cho biết những biến đổi lớn về gen có thể đã xảy ra trong một quá trình phát triển sinh hóa được gọi là sự chuyển đổi electron hiện đại. Đây là một tiến trình sinh hóa quan trọng, với sự chuyển động của các electron bên trong màng tế bào.
Nó chủ yếu diễn ra ở các loài thực vật và một số loài vi khuẩn, khiến chúng có khả năng hấp thu năng lượng từ Mặt Trời thông qua quang hợp và sản sinh ra oxy.
Tiến trình thay đổi lớn này, được Eric Alm và Lawrence David ví với cái tên "Sự bành trướng thời cổ đại," đã dẫn đến một hiện tượng xảy ra khoảng 500 triệu năm sau đó, được biết đến với cái tên "Cuộc đại oxy hóa", khi đó bầu không khí của Trái Đất "ngập tràn" trong oxy.
Các nhà khoa học nhận định "Cuộc đại oxy hóa" có thể là sự thay đổi lớn nhất trong lịch sử Trái đất, với việc các loài sinh vật và vi sinh vật cổ xưa không thở bằng oxy bị thay thế bằng một thế hệ các sinh vật có hấp thu oxy, lớn hơn và thông minh hơn.