Thời trang quý tộc từng được định vị bằng những mẫu áo lông thú.
Vải lông thú - chất liệu của thời trang quý tộc
Lông thú xuất hiện từ xa xưa, không thể định vị bằng một dấu mốc cụ thể. Theo một số nghiên cứu từ giới thời trang, chất liệu này được ra đời từ 100.000 - 500.000 năm trước. Khi ấy, con người sử dụng lông thú choàng lên người để giữ ấm cơ thể trong mùa đông nhiệt độ xuống thấp.
Thời trang lông thú từng được quy định dành riêng cho giới quý tộc, thượng lưu.
Theo thời gian, lông thú dần phát triển, trở thành yếu tố đại diện cho sự xa xỉ, giàu có. Từ thế kỷ XIV - XVII, những thiết kế thời trang từ chất liệu này được quy định dành riêng cho tầng lớp quý tộc. Những loài thú quý hiếm được lấy lông trong thời điểm này phải kể đến như cáo, chồn ermine, sóc xám...
Khá dễ hiểu khi lông thú trong thời điểm ấy được giới quý tộc ưa thích. Bởi lẽ, công nghệ chăn nuôi thú lấy lông phục vụ cho thời trang chưa được khai sinh và phát triển. Chất liệu này hoàn toàn được lấy từ việc săn bắn động vật ngoài thiên nhiên nên khá khan hiếm và không phải ai cũng khó thể sở hữu một chiếc áo lông thú. Điều này giúp thời trang lông thú tăng thêm giá trị.
Phía sau chất liệu xa xỉ là sự thật tàn khốc
Sự phát triển mạnh mẽ của thời trang cũng khiến góc nhìn về chất liệu lông thú dần thay đổi. Ở thập niên 1970, làn sóng yêu động vật "nổ ra" khiến thời trang lông thú bị chống đối mạnh mẽ và biến nó trở thành xu hướng "tội đồ".
Kết quả cho sự xa xỉ, hào nhoáng của thời trang lông thú chính là sự tàn khốc đối với động vật. Theo thống kê mỗi năm, có đến hàng triệu động vật hoang dã đến thú nuôi bị ngược đãi, sát hại để lấy lông và da nhằm phục vụ cho ngành công nghiệp thời trang.
Nhận thức được sự nguy hiểm, xu hướng thời trang lông thú giả ra đời nhằm "sửa sai". Những thiết kế này vẫn đảm bảo tốt độ giữ ấm, chất lông mềm mịn tương tự bộ lông thú thật. Lông thú giả thường được chế tạo từ những chất liệu như acrylic, polyester hoặc sợi dầu mỏ. Chúng có thể phân huỷ nhưng phải tốn khoảng thời gian khá dài.