Sự thật về "ngày tận thế Internet"

Một cơn bão Mặt trời đủ mạnh hoàn toàn có thể dẫn đến "ngày tận thế Internet", thuật ngữ ám chỉ việc Internet bị ngắt đột ngột ở phạm vi toàn cầu.

Thuật ngữ "ngày tận thế Internet" từ lâu đã bị xem như sản phẩm của khoa học viễn tưởng. Ở đó, từ trường được giải phóng bởi một siêu bão Mặt trời xé toạc từ quyển của Trái đất, gửi các dòng điện chạy qua cơ sở hạ tầng của loài người.

Cực quang lấp đầy bầu trời phía nam một cách bất thường với màu xanh lam và xanh lục lung linh. Sau đó, con người nhìn lên điện thoại và đột nhiên, Internet vụt tắt.

Nỗi lo có thật

"Ngày tận thế Internet" đã có từ cách đây vài năm nhưng đang xuất hiện trở lại ngày một nhiều trên các mạng xã hội như Reddit hay Twitter, kéo theo đó là những thông tin bịa đặt NASA nhằm gây hoang mang và tạo ra sự chú ý.


"Ngày tận thế Internet" ám chỉ sự kiện hiếm gặp có thể làm sập toàn bộ kết nối Internet toàn cầu. (Ảnh: GQ-Magazine).

Dễ hiểu vì sao giả thuyết này lại đáng chú ý. Cuộc sống hiện đại ngày nay gắn liền với Internet và sự vắng mặt của nó có thể gây ra những hậu quả tai hại. Thậm chí, nhiều người còn hầu như không thể chịu nổi 30 giây đi thang máy mà không có Wi-Fi.

Theo Washington Post, mối quan tâm này không hoàn toàn là hư cấu. Các chuyên gia cho biết sự cố mất kết nối Internet trên diện rộng thực sự hoàn toàn có thể xảy ra.

Điều kiện cần để kích hoạt "ngày tận thế Internet" là một cơn bão Mặt trời cực mạnh ập vào Trái đất - một sự kiện tuy hiếm gặp nhưng thực tế đã từng xảy ra trong thời đại kỹ thuật số.

Trước đây, chỉ có 2 cơn bão như vậy được ghi nhận vào năm 1859 và 1921. Sự kiện Carrington vào năm 1859 đã đốt cháy các hệ thống điện ở châu Âu và Mỹ, gây hỏa hoạn tại một số tòa nhà và tạo nên cực quang ở đường xích đạo gần Colombia.

Ngoài ra, vào tháng 3/1989 một cơn bão nhỏ hơn đã khiến toàn bộ tỉnh Quebec của Canada mất điện trong 9 tiếng.


Các vết đen trên bề mặt Mặt trời giải phóng bão Mặt trời, mất 8 phút để đến Trái đất và có thể làm gián đoạn sóng vô tuyến. (Ảnh: NASA).

Thông thường Mặt trời có chu kỳ khoảng 11 năm để tạo ra một chu kỳ mới khiến cực bắc và cực nam đổi chỗ cho nhau.

Năm 2014 là thời điểm cường độ hoạt động của Mặt trời đạt đỉnh. Những vụ nổ tia Plasma sẽ xảy ra thường xuyên và mạnh hơn trong thời gian này.

Khi từ trường thay đổi, nó ảnh hưởng đến hoạt động trên bề mặt của Mặt trời, bao gồm cả việc tạo ra các vết đen là những vùng tối có kích thước bằng một hành tinh.

Vết đen - vùng tối trên Mặt trời - giúp các nhà khoa học theo dõi hoạt động trên bề mặt của Mặt trời. Những điểm tối này là khởi nguồn cho các vụ nổ và phóng ánh sáng, vật chất Mặt trời và năng lượng vào không gian.

Trong thời gian này, các vụ phun trào trên Mặt trời, hay còn gọi là bão Mặt trời cũng tăng lên, gửi bức xạ điện từ vào không gian và thậm chí xuống Trái đất. Mức cực đại của chu kỳ Mặt trời hiện tại được dự đoán sẽ xảy ra vào giữa năm 2025, theo CNN.

Sangeetha Abdu Jyothi, giáo sư khoa học máy tính tại Đại học California, người đóng vai trò trong việc phổ biến thuật ngữ này, cho rằng nhân loại đã chủ quan mà không lên kế hoạch chuẩn bị cho sự kiện đặc biệt này.


Hình ảnh vết đen Mặt trời được kính viễn vọng Daniel K. Inouye ghi lại vào ngày 28/1. (Ảnh: Quỹ Khoa học Quốc gia Mỹ.)

“Chúng ta chưa bao giờ trải qua những sự cố nghiêm trọng nhất và hoàn toàn không biết cơ sở hạ tầng Internet sẽ phản ứng như thế nào. Những thử nghiệm của chúng tôi thậm chí còn không bao gồm một tình huống như bão Mặt trời”, bà Jyothi nói.

Con người vẫn chưa chuẩn bị cho cuộc sống không Internet

Theo bà Jyothi, một cơn bão Mặt trời mạnh đủ khả năng ảnh hưởng đến những cơ sở hạ tầng quy mô lớn như cáp thông tin liên lạc dưới biển và có thể làm gián đoạn kết nối đường dài.

Tuy nhiên, các kết nối Internet cục bộ và khu vực sẽ ít thiệt hại vì cáp quang không bị ảnh hưởng bởi dòng điện cảm ứng địa từ.

Trong khi đó, hệ thống cáp quang biển kết nối Internet giữa các lục địa là một câu chuyện khác. Bộ lặp tín hiệu của các loại cáp này rất dễ bị ảnh hưởng bởi dòng địa từ, toàn bộ dây cáp có thể trở nên vô dụng nếu một bộ lặp gặp vấn đề.


Các bộ lặp tín hiệu của cáp ngầm có thể bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi những cơn bão Mặt trời. (Ảnh: The Manomet Current).

Chia sẻ trong nghiên cứu, Abdu Jyothi cho biết nếu một lượng cáp quang biển nhất định ở một khu vực bị ảnh hưởng, toàn bộ các lục địa sẽ bị cắt đứt liên lạc với nhau. Hơn nữa, những quốc gia ở vĩ độ cao như Mỹ và Anh dễ bị ảnh hưởng bởi thời tiết Mặt trời hơn.

Do đó, nếu một cơn bão địa từ khổng lồ diễn ra, các quốc gia ở vĩ độ cao sẽ bị ảnh hưởng trước tiên. Theo bà Abdu Jyothi, việc mất Internet diện rộng sẽ kéo dài hàng tuần hoặc hàng tháng là điều có thể xảy ra quá trình sửa chữa cơ sở hạ tầng dưới nước rất tốn kém thời gian.

"Tác động kinh tế của sự gián đoạn Internet trong một ngày ở Mỹ ước tính lên tới hơn 7 tỷ USD, điều gì sẽ xảy ra nếu hệ thống mạng ngưng hoạt động trong nhiều ngày hoặc vài tháng", Abdu Jyothi viết trong nghiên cứu.

Theo công ty theo dõi hoạt động Internet NetBlocks, chỉ riêng tại Mỹ, thiệt hại ước tính sẽ hơn 11 tỷ USD mỗi ngày nếu "ngày tận thế Internet" xảy ra.


Bão Mặt trời được hình thành từ những vụ nổ trên khí quyển Mặt trời. (Ảnh: NASA).

Vài tuần trước, các nhà khoa học đã công bố bằng chứng mới từ cuộc thăm dò về nguồn gốc của gió Mặt trời, thứ mà họ nói là kết quả từ hiện tượng có tên gọi “kết nối lại từ tính”.

Mặc dù nghiên cứu không xem xét cụ thể các cơn bão Mặt trời, nhưng nó có liên quan rộng hơn. Theo Stuart Bale, giáo sư vật lý tại Đại học California và cũng là điều tra viên chính của NASA làm việc trong tàu thăm dò, bầu khí quyển của Mặt trời thay đổi rất chậm.

Do đó, ông Bale cho rằng rất khó để hình thành một cơn bão đủ mạnh để đánh sập toàn bộ mạng lưới Internet trong tương lai gần.

Cập nhật: 03/07/2023 Zing
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Danh nhân thế giới

Khoa học vũ trụ

1001 bí ẩn

Ngày tận thế

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Lịch sử

Khoa học quân sự

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Bệnh và thông tin bệnh

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Virus Covid 19

Ứng dụng khoa học

Khoa học & Bạn đọc

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Góc hài hước

Video