Khi bức ảnh này xuất hiện vào năm 1883, nó nhanh chóng nhận được sự quan tâm của rất nhiều người vì đây được cho là bằng chứng đầu tiên về UFO (vật thể bay không xác định).
Nhưng giờ đây, các nhà khoa học đến từ Đại học tự trị Quốc gia Mexico (UNAM) tin rằng nó là hình ảnh của một ngôi sao chổi lớn đang tiến đến gần Trái đất.
Bức ảnh được chụp năm 1883 cho thấy một vật thể đang bay qua Mặt trời. (Ảnh: Dailymail)
Bức ảnh được nhà thiên văn học người Mexico - José Bonilla - chụp lại cho thấy có một vật thể gì đó đang bay qua Mặt trời vào ngày 12 tháng 8 năm 1883. Khi xuất hiện công khai vào năm 1886 trên tạp chí L'Astronomie, người ta cho rằng đó là bằng chứng đầu tiên về sự tồn tại của một UFO.
Tuy nhiên, kết quả của nghiên cứu mới này lại khẳng định đây không phải là UFO gì hết. Nó đơn giản là một sao chổi đang trong quá trình nổ tung.
“Chúng tôi từng đưa ra giả thuyết rằng những gì mà Bonilla quan sát thấy vào năm 1883 chỉ là một sao chổi bị phân mảnh”, Hector Javier Durand Manterola, tác giả chính của nghiên cứu nói.
Bên cạnh đó, “sử dụng các kết quả trong báo cáo của Bonilla, chúng tôi có thể ước lượng khoảng cách mà vật thể tiếp cận với bề mặt Trái đất. Theo tính toán, khoảng cách đó từ 538km đến 8.062km và chiều rộng của vật thể nằm trong khoảng 46m đến 795m”, Manterola chia sẻ thêm.
“Sao chổi là vật thể duy nhất trong hệ Mặt trời được bao quanh bởi sương mù, vì vậy giả thuyết cho rằng vật mà Bonilla nhìn thấy là những sao chổi nhỏ hoàn toàn hợp lý”, các nhà khoa học nhận định.
Ngoài ra, khối lượng của nó có thể gấp tới tám lần khối lượng của sao chổi Halley, tương tự với một sao chổi từng đâm vào Trái đất và khiến loài khủng long bị tuyệt chủng.