Sự thật về vương tộc nổi tiếng lịch sử thế giới: Vị vua đứng trên vạn người vẫn "ngửa tay" xin tiền vợ

Khi Sa hoàng Nicholas II (vị Sa hoàng cuối cùng trong lịch sử nước Nga) đi lễ nhà thờ, ông thường bỏ các đồng 5 rúp có in hình chân dung của chính mình vào trong chiếc cốc từ thiện như các giáo dân khác.

Thời bấy giờ, 5 rúp là một khoản quyên góp rất hào phóng - nó có thể là một tháng lương của một người giúp việc, hoặc một nửa tháng lương của một công nhân nhà máy. Nhưng điều đáng ngạc nhiên nằm ở chỗ nó không hẳn là tiền riêng của ông và ông cũng "không được phép" dùng tiền theo ý mình.

Trong cuốn sách “Tsar's Money: Income and expenses of the House of Romanovs" (Tạm dịch: Tiền của Sa hoàng: Thu nhập và chi phí của Vương tộc Romanov", nhà sử học Igor Zimin cho biết: Để có được những đồng 5 rúp này hoặc bất kỳ số tiền nào khác, Sa hoàng đã phải viết những dòng ghi chú ngắn để gửi đến văn phòng của Hoàng hậu Alexandra Fyodorvna – người quản lý tài chính của cả hoàng tộc – như sau: "Gửi cho ta 3.000 rúp và hai đồng tiền vàng 5 rúp" hoặc "Gửi thêm cho ta 2 đồng tiền vàng".

Từ đó, có thể thấy rằng Sa hoàng Nga thực tế không có quyền sử dụng vô hạn ngân khố quốc gia.

Không thể "kiếm việc làm" do địa vị quá cao

Trước khi Sa hoàng Paul I (1754-1801) trị vì, những người đứng đầu đất nước có thể sử dụng ngân khố quốc gia để làm "của riêng". Đó cũng được cho là một trong những lý do khiến Hoàng hậu Catherine II để lại khoản nợ quốc gia 200 triệu rúp sau khi qua đời (gấp ba lần ngân sách hàng năm của Đế chế Nga thời bấy giờ).

Sa hoàng Paul I (con trai Hoàng hậu Catherine II) và hoàng hậu Maria Fyodorovna sinh được cả thảy 10 người con. Gánh nặng từ địa vị xã hội khiến cho các thành viên của Vương tộc Romanov không thể tự mình làm việc hoặc kinh doanh, nhưng họ vẫn phải duy trì khả năng tài chính tốt để giữ vững uy tín của hoàng gia, điều này buộc Nhà nước phải chi ra số tiền để phục vụ cho các khoản tiêu dùng của hoàng tộc.

Hơn nữa, tình trạng tài chính tốt của các thành viên trong Hạ viện là cần thiết để duy trì uy tín của Vương tộc Romanov trong giới hoàng gia châu Âu.

Lúc này, Sa hoàng Paul I hiểu rằng nếu ông không hạn chế việc sử dụng nguồn tiền dự trữ quốc gia của gia đình thì sẽ dễ xảy ra tình trạng cạn kiệt ngân khố. Do đó, vào năm 1797, Paul I đã ban hành sắc lệnh quy định mức trợ cấp hàng năm cho các thành viên trong hoàng gia.

Khoản trợ cấp hàng năm là gì?

Sa hoàng Paul I đã đưa ra một hệ thống phân cấp phức tạp về mức phụ cấp cho từng thành viên tùy thuộc vào mối quan hệ giữa họ với nhà vua. Trợ cấp của người đứng đầu đất nước không được xác định cụ thể, trong khi đó trợ cấp cho hoàng hậu là 600.000 rúp (khoảng 156 triệu đồng theo tỷ giá hiện tại - gấp 120 lần mức lương hàng năm của bộ trưởng nhà nước tại cùng thời điểm).


Gia đình Sa hoàng Paul I.

Những đứa con của Sa hoàng sẽ nhận được mức trợ cấp là 100.000 rúp (27 triệu đồng theo tỷ giá hiện tại) cho đến khi 20 tuổi. Từ năm 20 tuổi trở đi, số tiền mà họ được nhận sẽ giảm xuống còn 50.000 rúp/năm (tương đương gần 14 triệu đồng theo tỷ giá hiện tại).

Riêng người thừa kế ngai vàng sẽ được nhận 300.000 rúp (tương đương 82 triệu đồng theo tỷ giá hiện tại) và vợ sẽ được nhận 150.000 rúp (tương đương 41 triệu đồng theo tỷ giá hiện tại). Các cháu của Sa hoàng sẽ được nhận 50.000 rúp cho đến năm 20 tuổi, và sau độ tuổi này họ sẽ nhận được 150.000 rúp, riêng cháu gái sẽ được chi trả khoản trợ cấp cho đến khi kết hôn.


Tòa nhà của Bộ Hoàng gia và Tài sản ở St.Petersburg.

Sắc lệnh của Paul I đã cho thấy trước tương lai tài chính của 5 thế hệ hoàng gia tiếp theo, và việc gia đình càng ngày càng đông con cháu sẽ tạo ra gánh nặng nhiều hơn cho ngân khố. Đến thời trị vì của Sa hoàng Alexander III (1885), ông đã cho giảm số tiền phụ cấp xuống nhỏ hơn 3 lần, tuy nhiên đây vẫn được xem là một con số khổng lồ so với mức sống của nhân dân Nga lúc bấy giờ.


Sa hoàng Alexander III của Nga cùng gia đình, ảnh chụp năm 1886.

Vương tộc Romanov được phép mua những gì?

Tại đất nước của mình, các thành viên hoàng tộc sẽ không thể tự do đi mua sắm vì điều này đòi hỏi các biện pháp an ninh đặc biệt. Nếu bị nhận ra, chuyến dạo chơi mua sắm sẽ trở thành cuộc gặp gỡ dân chúng.

Cũng vì lý do đó mà các Sa hoàng, Đại công tước và các thành viên trong gia đình của họ ưa thích mua sắm trong các chuyến viếng thăm đến Châu Âu. Em gái của Nicholas II, Nữ công tước Olga Alexandrovna đã từng viết về chuyến đi đến Copenhagen (thủ đô của Đan Mạch): "Ta sẽ không bao giờ quên cảm giác phấn khích lần đầu tiên trong cuộc đời, ta có thể đi bộ trên phố, nhìn chằm chằm vào cửa sổ của các cửa hàng, và mua bất kỳ thứ gì ta thích".

Nữ hoàng Anh Victoria và con trai của bà, Hoàng tử Edward VII chụp ảnh cùng Hoàng đế Nga Nicholas II và vợ ông Alexandra, cùng con gái mới sinh của họ, Olga.

Chính bản thân Sa hoàng Nicholas II cũng đã từng có hành động tương tự. Anna Vyrubova, người hầu thân cận của Hoàng hậu Alexandra Feodorovna từng tiết lộ rằng Sa hoàng đã "lấy tất cả mọi thứ mà ngài thích mà không cần hỏi về giá cả, vì nhà nước sẽ chi trả cho mọi thứ nên ngài ấy không có khái niệm gì về tiền bạc".

Tuy nhiên, việc kiếm được một khoản "kếch xù" của hoàng gia là không hề dễ dàng đối với các chủ cửa hàng. Họ cần phải gửi các hoá đơn mua hàng đến Văn phòng của Hoàng hậu Alexandra Feodorovna để được phê duyệt, sau đó Bộ tài chính sẽ chuyển khoản tiền tương ứng đến Lãnh sự quán của các quốc gia, cuối cùng mới chuyển cho người bán. Vào thế kỷ 19, khi việc thanh toán điện tử vẫn chưa xuất hiện thì quá trình này phải mất hàng tháng trời.

Vậy thì Sa hoàng Nga thường mua những gì? Nhà sử học Igor Zimin chia sẻ rằng Sa hoàng Nicolas I (1796-1855) thường mua quà cho gia đình như mũ, vòng tay hoặc tất lụa. Tuy nhiên Sa hoàng sẽ không tự mình chọn mà sẽ có một người người hầu nữ giàu kinh nghiệm đi theo để giúp, người này phải thật sự hiểu được sở thích của Hoàng hậu.


Nhà nguyện ở Darmstadt (Đức) – quê hương của Hoàng hậu Alexandra Fyodorovna.

Trên thực tế, hầu hết các Sa hoàng và thành viên hoàng gia sẽ làm từ thiện nhiều hơn là mua sắm. Ví dụ như vào năm 1898, Sa hoàng Nicholas II đã chi ra 500.000 rúp tiền riêng để giúp đỡ các gia đình gặp nạn trong nạn đói, ngoài ra ông còn sử dụng 500.000 rúp để hỗ trợ việc xây dựng Nhà nguyện ở Darmstadt (Đức) – quê hương của Hoàng hậu Alexandra Fyodorovna.

Cập nhật: 30/04/2022 Theo Pháp luật&bạn đọc
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video