Các nhà nghiên cứu quy hiện tượng giảm sáng bất thường của ngôi sao KIC 8462852 cho thay đổi ở thiết bị quan sát, bác bỏ giả thuyết nền văn minh ngoài hành tinh đang khai thác năng lượng của ngôi sao.
Theo International Business Times, ý tưởng siêu cấu trúc của người ngoài hành tinh chặn ánh sáng phát ra từ KIC 8462852 được đưa ra lần đầu vào tháng 10 năm ngoái. Các nhà thiên văn nhận thấy hơn 20% ánh sáng của ngôi sao bị một vật rất lớn cản lại. Nếu một hành tinh cỡ sao Mộc di chuyển ngang qua phía trước ngôi sao, lượng ánh sáng bị cản chỉ khoảng 2%.
Một số nhà nghiên cứu cho rằng nền văn minh tiên tiến ngoài hành tinh có thể xây dựng cấu trúc khổng lồ quanh ngôi sao để khai thác năng lượng của nó. Quả cầu giả định mang tên Dyson có thể giải thích hiện tượng sao giảm sáng không do nguyên nhân tự nhiên (như đám mây bụi hoặc sao chổi). Bằng chứng khác củng cố giả thuyết siêu cấu trúc ngoài hành tinh được nêu ra vào tháng 1 năm nay. Các nhà thiên văn khẳng định ánh sáng của KIC 8462852 giảm 20% trong thế kỷ qua.
Các nhà khoa học bác bỏ giả thuyết một siêu cấu trúc ngoài hành tinh cản ánh sáng phát ra từ KIC 8462852. (Ảnh minh họa: break.com).
Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu ở Đại học Vanderbilt, Tennessee, Mỹ, phủ nhận giả thuyết trên. Nhà khoa học Michael Lund và đồng nghiệp xem xét dữ liệu sử dụng để chứng minh giả thuyết, gồm 500.000 tấm phim thủy tinh quang học chụp trong 100 năm qua. Do những quan sát được tiến hành với nhiều kính viễn vọng và máy ảnh, nhóm của Lund cho rằng thay đổi ở thiết bị có thể lý giải cho kết quả khác biệt ở mỗi lần quan sát.
"Chúng tôi xem xét sai khác trong độ sáng của một số ngôi sao kích thước tương đương ở cơ sở dữ liệu và phát hiệu nhiều ngôi sao cũng có dấu hiệu giảm sáng tương tự vào thập niên 1960. Điều đó chỉ ra sự giảm sáng là do khác biệt ở thiết bị, không phải vì độ sáng của ngôi sao thay đổi", Keivan Stassun, một thành viên thuộc nhóm của Lund, giải thích.
Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu thừa nhận những lần giảm sáng khác từng được quan sát ở KIC 8462852 thật sự diễn ra và hiện tại vẫn là điều bí ẩn. Ví dụ, một loạt đợt giảm sáng không đều đặn kéo dài 100 ngày năm 2013. "Dữ liệu của kính viễn vọng Kepler của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) đề cập tới những lần giảm sáng bất thường kiểu này, nhưng chưa bao giờ đạt tới tần suất cao như thế", Stassun nói.