Sự trả thù dai dẳng của người Neanderthal

Bị đẩy vào con đường tuyệt chủng cách đây hàng chục ngàn năm, người Neanderthal vẫn có cơ hội báo thù bằng cách di truyền bệnh hiểm nghèo cho người hiện đại.

Giống người Neanderthal đã biến mất khỏi bề mặt địa cầu ít nhất 30.000 năm trước, và thủ phạm diệt chủng nhiều khả năng là tổ tiên của người hiện đại, theo giả thuyết được công nhận từ lâu. Tuy nhiên, báo cáo mới cho thấy cuộc trả thù của người Neanderthal vẫn tiếp tục kéo dài cho đến ngày nay, bằng cách khiến con người dễ bị mắc các căn bệnh chết người như ung thư và tiểu đường.

Theo các kết quả nghiên cứu, người Neanderthal với người hiện đại từng sống cùng thời đại, và qua hàng ngàn năm hai chi người này có dịp giao phối với nhau, dẫn đến kết quả là người châu Âu ngày nay chứa 2% ADN của người Neanderthal. Những gene di truyền trên bị phát hiện làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư và tiểu đường.

Vào năm ngoái, các chuyên gia của Đại học Oxford và Plymouth (Anh) đã công bố các gene được xác định làm tăng nguy cơ ung thư trong chuỗi gene của người Neanderthal, và đến tháng 1 năm nay, tạp chí Nature đăng tải công trình nghiên cứu của Đại học Harvard (Mỹ) tiết lộ một gene được di truyền từ người Neanderthal, có thể gây ra bệnh tiểu đường ở người Mỹ gốc La tinh.


Trái đất từng có thời chứa chấp đến 7 họ người khác nhau - (Ảnh: Wikia.com)

Bằng cách giám định gene thu được từ xương ngón chân của một phụ nữ Neanderthal, các nhà khoa học có thể xây dựng một phiên bản hoàn chỉnh hơn về lịch sử sơ khai của loài người, và tìm hiểu sự phát triển cũng như tiến hóa của người hiện đại.

Dựa trên kết quả phân tích ADN, tình trạng giao phối cận huyết đã diễn ra hết sức nghiêm trọng trong các cộng đồng Neanderthal, và họ người này cũng có thói quen “ngủ lang” với các họ người cổ đại khác như Denisovan.

Tuy nhiên, song song với ảnh hưởng tiêu cực, quá trình trao đổi huyết thống cũng đã tăng cường hệ miễn dịch của tổ tiên người hiện đại, giúp họ chống chọi trước những căn bệnh thường gặp vào thời đầu của nền văn minh loài người.

Theo trang tin Phys.org, trưởng nhóm dự án nghiên cứu nguồn gốc loài người là Giáo sư Chris Stringer của Viện Bảo tàng lịch sử tự nhiên Anh cho biết người Neanderthal đã sinh sôi và phát triển bên ngoài phạm vi châu Phi trong hàng ngàn năm. Do đó, cơ thể của họ phải chống chọi trước sự tấn công của nhiều loại bệnh mà người hiện đại khi đó chưa từng đối mặt. “Các cuộc nghiên cứu chứng tỏ rằng hệ miễn dịch của người hiện đại đã nhanh chóng được nâng cấp thông qua quá trình kết hợp với người Neanderthal, từ đó giúp chúng ta tồn tại”, theo Giáo sư Stringer. Nhờ gene ngoại lai, hệ thống kháng nguyên bạch cầu của tổ tiên người hiện đại hỗ trợ bạch cầu nhận dạng và phá hủy các dị vật xâm nhập cơ thể.

Bên cạnh đó, các báo cáo cho thấy người Neanderthal lâm vào con đường tuyệt chủng không phải chỉ bởi vì bị người hiện đại đuổi cùng giết tuyệt, mà còn do họ giao phối và đóng góp phần ADN của mình vào tập hợp dân số lớn hơn. Xu hướng mở rộng kho di truyền ở người hiện đại không chỉ dừng lại ở Neanderthal. Một số cuộc nghiên cứu cho thấy cách đây khoảng 100.000 đến 500.000 năm trước, phải có đến 7 họ người khác nhau cùng chia sẻ trái đất. Theo đó, người ở vùng Hạ Sahara thuộc châu Phi sở hữu ADN từ người Homo heidelbergensis (hay còn gọi là người Heildelberg), trong khi một số nhóm dân châu Á nhận được gene di truyền từ người Denisovan.

Theo Thanh Niên
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video