Sứa đốt như thế nào và cách điều trị khi bị sứa đốt

Cách xử lý khi bị sứa cắn

Bạn đang bơi giữa biển bỗng thấy ngứa ở chân, rất có khả năng bạn đã bị sứa đốt. Sứa rất mềm vì chứa 95% là nước và chủ yếu cấu tạo từ một loại chất hơi đục, giống gel gọi là Mesoglea. Với cơ thể mỏng manh như vậy, chúng tồn tại được là nhờ chất độc chứa trong các tế bào hình mũi lao gọi là Cnidocytes để tự vệ và bắt mồi.

Sứa trưởng thành có hình cây dù với cái chóp trên đầu và xúc tu xung quanh. Họ sứa lớn nhất là Lion’s Mane (Bờm Sư Tử) với xúc tu có thể len tới hơn 30m, thậm chí dài hơn cả loài động vật lớn nhất cá voi xanh.

Trong xúc tu của sứa gồm hàng loạt các mũi lao siêu nhỏ chứa chất độc nằm cuộn trong các nang hình ống rỗng. Khi có tác nhân cơ hay hóa học kích hoạt các thụ cảm, nắp các nang sẽ bật ra và nước biển tràn vào làm cho các lao độc bắn ra, đâm xuyên qua da và tiêm chất độc vào nạn nhân. Những lao độc này bắn ra chỉ trong vòng chưa đến 1/1.000.000 giây và được coi là một trong những chu trình sinh - hóa tự nhiên nhanh nhất.

Lao độc có thể bắn ra ngay cả khi con sứa đã chết, nên nếu bị sứa đốt việc loại bỏ xúc tu còn sót lại trên da rất quan trọng. Sau đó, rửa với giấm sẽ làm vô hiệu hóa những nang chứa lao độc chưa kích hoạt. Nước biển có thể giúp loại bỏ những nang chứa lao độc còn sót lại.

Đừng dùng nước thường vì sự thay đổi nồng độ muối làm thay đổi áp suất thẩm thấu sẽ kích hoạt các nang độc. Ngoài ra việc dùng mẹo dân gian như tưới nước tiểu lên vùng bị ngứa cũng có thể gây hại, tùy thuộc vào thành phần nước tiểu.

Vết thương do sứa cắn thực sự rất đau rát, khiến người bị thương khó chịu, nhất là trẻ nhỏ. Để giảm đau, bớt sưng và ngăn độc tố của sứa lan rộng trên da, có thể dùng đá để chườm trên phần da bị thương.

Vết thương sứa đốt có thể ở thể nhẹ, hoặc ở thể nặng. Nếu nhẹ thì sau khi thực hiện các bước trên, tình trạng ngứa rát sẽ giảm. Còn tình trạng nặng, người bị sứa cắn không chỉ cảm thấy đau nhức, sưng tấy tại vết thương mà còn có thể sốt, co giật, buồn nôn, khó thở…

Với bất kỳ dấu hiệu bất thường hoặc nguy hiểm nào ở trên, sau khi sơ cứu cần nhanh chóng đưa người bị thương đi cấp cứu để xử lí kịp thời, tránh nguy hiểm đến sức khỏe và cả tính mạng.

Đa số khi bị sứa cắn chỉ thấy khó chịu và phiền toái, nhưng đôi khi có thể tử vong. Loài sứa hộp Ấn Độ hay còn gọi là ong bắp cày biển, độc của chúng có thể làm teo cơ tim và gây chết người với liều lượng lớn.

Dù có những xúc tu với khả năng rất ấn tượng, sứa vẫn có thể bị đánh bại. Các mũi lao độc không thể xuyên qua lớp da dày bảo vệ của thú ăn sứa như rùa biển và cá thái dương. Ngoài ra, thú ăn sứa đều có bộ hàm đặc biệt với những cái gai nằm ngược trong miệng và thực quản của rùa và những cái răng uốn ngược nằm sau má của cá thái dương nhằm ngăn những con sứa trơn tuột trốn thoát.

Sứa khá là thân thiện với các loài khác trong đại dương, những ấu trùng tôm bé xíu thường bám vào đầu sứa để quá giang và tìm thức ăn trong lúc sứa di chuyển. Những con cá nhỏ len vào giữa các xúc tu và coi sứa như tảng đá ngầm di động để tự vệ. Ốc sên biển ăn xúc tu sứa và chuyển hóa độc tố vào các gai trên lưng để tự vệ.

Ngay cả con người cũng hưởng lợi từ sứa. Các nhà khoa học đang tìm cách sử dụng các nang chứa lao độc để tiêm thuốc vào cơ thể vì các mũi lao này có kích thước chỉ bằng 3% mũi kim tiêm thông thường.

Cập nhật: 10/07/2024 Theo Tinh Tế/bachoaxanh
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video