Sức mạnh từ nhát cắn tử thần của cá sấu

Các nhà nghiên cứu phát hiện lực cắn của cá sấu tương quan với kích thước và cá sấu nước mặn sở hữu lực cắn mạnh nhất.

Trong cuốn sách "Bite: An Incisive History of Teeth, from Hagfish to Humans", tác giả Bill Schutt viết về những loài vật sở hữu lực cắn mạnh nhất thế giới. Là nhà động vật học chuyên về loài có xương sống, Schutt tìm hiểu lực cắn ấn tượng của các loài cá sấu còn sống cũng như tổ tiên đáng sợ của chúng. Ông cộng tác với Gregory Erickson, giáo sư giải phẫu và cổ sinh vật học động vật có xương sống ở Đại học Florida để đo lực cắn của mẫu vật, theo Live Science.


Cá sấu nước mặn sở hữu lực cắn khổng lồ. (Ảnh: BBC).

Sau khi bị trói chặt, một cú vỗ nhẹ vào mõm thường khiến đối tượng kiểm tra mở miệng. Nhà nghiên cứu sẽ đặt thanh cắn ở răng sau của nó bởi các định luật vật lý chỉ ra phép đo tiến hành ở gần khớp hàm nhất sẽ cung cấp lực cắn lớn nhất. Tại đây, phản xạ của cá sấu là nhai nghiến thanh cắn bằng toàn lực.

Dù những thí nghiệm ban đầu của Erickson tập trung vào cá sấu mõm ngắn, cuối cùng ông và cộng sự có thể thu thập dữ liệu lực cắn của tất cả 23 loài cá sấu, nhóm bao gồm cá sấu châu Phi, cá sấu mõm ngắn, cá sấu caiman (sinh sống ở Trung và Nam Mỹ) và cá sấu Ấn Độ. Con vật lớn nhất mà họ đo là cá sấu nước mặn (Crocodylus porosus) dài 5,2 m, cùng với cá sấu sông Nile (Crocodylus niloticus) đều là loài gây ra nhiều vụ tấn công người nhất.

Nhóm nghiên cứu quan tâm tới việc xác định lực cắn đa dạng như thế nào giữa các loài. Trước nghiên cứu, một số giả thuyết suy đoán lực cắn ở cá sấu sẽ thay đổi tùy theo yếu tố như hình dáng răng, độ dài hoặc độ rộng hàm, vốn là đặc điểm dễ quan sát thường dùng để nhận dạng từng loài.

Tuy nhiên, điều khiến Erickson và đồng nghiệp bất ngờ là lực cắn chỉ phụ thuộc vào kích thước cơ thể. Nói cách khác, nếu cá sấu châu Phi, cá sấu mõm ngắn và cá sấu caiman đều nặng 45 kg, lực cắn của chúng sẽ như nhau. Mọi loài nhỏ hơn đều có lực cắn nhỏ hơn. Cá sấu nước mặn dài 5,2 m tạo ra lực cắn 1.680 kg nhưng khi tăng kích thước lên mức kỷ lục là 7 m, Erickson nhận thấy lực cắn 3.500 kg không hề bất khả thi.

Dù vậy, có hai ngoại lệ đối với tương quan lực cắn/kích thước là hai loài cá sấu Ấn Độ (Gavialis gangeticus Tomistoma schlegelii), sở hữu phần mõm dài xương xẩu trông như gắn nhầm trên cơ thể dài 3,7 - 4,7 m và nặng 900 kg. Phần mõm cực dài của chúng trang bị 110 chiếc răng nhọn hoắt móc vào nhau. Toàn bộ cấu trúc như vậy thích nghi hoàn hảo để đớp qua mặt nước với lực cản rất ít. Nhưng lực cắn của chúng thấp hơn nhiều so với dự kiến ở kích thước đó. Erickson cho rằng chiến thuật bắt cá đặc biệt của cá sấu Ấn Độ là nguyên nhân, dẫn tới sự đánh đổi hy sinh lực cắn lớn cho khả năng đớp cá nhanh.

Cả hai loài cá sấu Ấn Độ còn sống đều cực kỳ nguy cấp. Trong môi trường sống ven sông ở phía bắc tiểu lục địa Ấn Độ, số lượng của chúng đang giảm xuống còn vài trăm cá thể.

Cập nhật: 01/08/2024 VnExpress
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Danh nhân thế giới

Khoa học vũ trụ

1001 bí ẩn

Ngày tận thế

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Lịch sử

Khoa học quân sự

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Bệnh và thông tin bệnh

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Virus Covid 19

Ứng dụng khoa học

Khoa học & Bạn đọc

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Góc hài hước

Video