Tại sao AB lại là một trong những nhóm máu hiếm nhất thế giới?

Một người mang nhóm máu AB có thể coi là khá hiếm hoi. Vậy tại sao lại có quá ít người mang nhóm máu này đến vậy?

Tất cả máu đều chứa các thành phần cơ bản giống nhau: tế bào hồng cầu, bạch cầu, tiểu cầu và huyết tương.

Kháng nguyên trên bề mặt hồng cầu quyết định nhóm máu

Các tế bào hồng cầu được sản xuất trong tủy xương, có nhiệm vụ vận chuyển oxy trong cơ thể. Trong mỗi 2-3 giọt máu có chứa khoảng một tỷ tế bào máu. Số lượng tế bào hồng cầu vượt xa so với tiểu cầu (có chức năng làm đông máu tại vết thương, giúp ngừng chảy máu) và bạch cầu (giúp bảo vệ cơ thể khỏi vi khuẩn và các mầm bệnh). Cứ 600 tế bào hồng cầu mới có 40 tế bào tiểu cầu và một tế bào bạch cầu duy nhất.


Các kháng nguyên quyết định một người thuộc nhóm máu nào. (Ảnh: Wisegeekhealth).

Bác sĩ Leslie Silberstein, người phát ngôn của Hội Huyết học Mỹ, giải thích rằng trên bề mặt các tế bào hồng cầu có những protein gắn với carbonhydrates - dấu hiệu cơ bản giúp xác định tế bào máu thuộc nhóm nào. Chúng được gọi là các kháng nguyên, thường được xếp thành 8 nhóm máu cơ bản: A, B, AB và O, mỗi loại lại chia ra thành Rh+ và Rh-.

Nhóm máu A chỉ có duy nhất kháng nguyên A trên bề mặt hồng cầu. Tương tự, nhóm máu B chỉ có kháng nguyên B, nhóm máu AB có cả 2 loại kháng nguyên và nhóm máu O không có cả 2. 4 nhóm máu cơ bản này là quan trọng nhất, bởi chúng xác định nhóm máu bệnh nhân có thể tiếp nhận an toàn khi truyền máu.

Các bệnh nhân tiếp nhận máu không tương thích thường có phản ứng rất nguy hiểm. Hệ thống miễn dịch của họ sẽ nhận ra kháng nguyên khác lạ trên bề mặt tế bào máu, dẫn đến xung đột.

Nếu bạn mang nhóm máu Rh+ có nghĩa là trong máu có chứa kháng nguyên Rhesus D, còn Rh- nghĩa là không có. Đây cũng là một đặc tính di truyền ảnh hưởng tới việc truyền máu.


Quy tắc truyền máu cơ bản. (Ảnh: Redcrossblood).

Một khảo sát của Trường Y khoa Stanford (Mỹ) đã tính tỷ lệ nhóm máu của dân số nói chung như sau:

  • O+: 37,4%
  • O-: 6,6%
  • A+: 35,7%
  • A-: 6,3%
  • B+: 8,5%
  • B-: 1,5%
  • AB+: 3,4%
  • AB-: 0,6%

Đây chỉ là tỷ lệ nói chung, bởi chúng có sự khác biệt đôi chút dựa trên nền tảng sắc tộc. Chẳng hạn như số người châu Á mang nhóm máu B nhiều hơn người da trắng, trong khi nhóm máu O phổ biến hơn trong cộng đồng người gốc Tây Ban Nha.

Nhóm máu hiếm nhất thế giới

Chúng ta thừa hưởng một gene nhóm máu từ mỗi phụ huynh. Tuy nhiên nếu một trong 2 gene bạn được thừa hưởng là O, điều này sẽ không tác động gì nhiều lên gene còn lại. Vì vậy, một người nhóm máu A có thể do thừa hưởng gene A từ cả bố và mẹ, hoặc nhận gene A từ một người và gene O từ người kia. Điều này cũng đúng với người nhóm máu B. Những người nhóm máu O thừa hưởng hai 2 gene O từ phụ huynh.

Những người mang nhóm máu AB được thừa hưởng gene A từ bố hoặc mẹ và gene B từ người còn lại. Dựa trên số lượng người mang nhóm máu A và B, tỷ lệ xảy ra của sự kết hợp đặc biệt này sẽ thấp hơn những trường hợp khác. Tỷ lệ theo khảo sát cũng đã chứng minh một cách trực quan tại sao nhóm máu AB lại hiếm đến thế.


Bạn nên hiến máu thường xuyên dù thuộc nhóm nào. (Ảnh: Getty Images).

Biết được nhóm máu của bạn là điều rất quan trọng, giúp các bác sỹ biết nhóm máu nào bạn có thể nhận trong trường hợp cần truyền máu. Nhận sai nhóm máu có thể dẫn đến một phản ứng miễn dịch gây đe doạ đến tính mạng. Những người có nhóm máu AB+ được gọi là "người nhận truyền máu phổ thông", có nghĩa họ có thể nhận máu từ những người với bất kỳ nhóm máu nào (nhưng họ chỉ có thể hiến máu cho những người có cùng nhóm máu với mình). Những người có nhóm máu O- được gọi là "người cho máu toàn năng" bởi nhóm máu của họ tương thích với tất cả các nhóm máu khác (nhưng họ chỉ có thể nhận máu O-). Những người có nhóm máu O+ có thể hiến máu cho những nhóm máu + khác (như A+ hay AB+). Do đó, nhu cầu tìm kiếm nhóm máu O, dù là + hay -, đều rất cao.

Những người với các nhóm máu hiếm hơn sẽ gặp nhiều khó khăn trong quá trình truyền máu, bởi tìm được người hiến tặng tương thích trong thời buổi khủng hoảng có thể không đơn giản.

Mỗi năm số lượng người cần truyền máu đều rất lớn. Vì vậy dù mang trong mình nhóm máu nào, thỉnh thoảng bạn nên đi hiến máu như một món quà dành tặng người khác.

Cập nhật: 19/01/2021 Theo Zing/vnreview
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Danh nhân thế giới

Khoa học vũ trụ

1001 bí ẩn

Ngày tận thế

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Lịch sử

Khoa học quân sự

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Bệnh và thông tin bệnh

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Virus Covid 19

Ứng dụng khoa học

Khoa học & Bạn đọc

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Góc hài hước

Video