Cảm giác lạnh buốt gây lười biếng, ủ rũ, thậm chí luôn đói bụng là tình trạng một số người đang gặp phải.
Việc đến phòng tập trong điều kiện thời tiết dưới 10 độ là điều khá xa xỉ với nhiều người. Không còn cảm giác tràn trề năng lượng và quyết tâm như mọi ngày, nhiệt độ thấp là lý do rất "chính đáng" để chúng ta tạm dừng mọi nỗ lực giảm mỡ của mình.
Không những vậy, một số người còn cho rằng họ cảm thấy ủ rũ và đói bụng nhiều hơn vào mùa đông. Theo huấn luyện viên Trần Đức Phong (Hà Nội), tình trạng này là có cơ sở và xuất phát từ 3 tác nhân chính:
Chứng rối loạn cảm xúc theo mùa (Seasonal affective disorder - SAD):
Đức Phong cho hay trong 15 người sẽ có một người mắc phải hội chứng này. Biểu hiện rõ ràng nhất của SAD là tâm trạng đi xuống trong thời gian dài, ít hứng thú, thờ ơ với mọi thứ, dễ cáu gắt, ngủ sâu và khó thức dậy.
Các biểu hiện này tạo ra khó khăn nhất định cho người mắc, gây ảnh hưởng hiệu quả công việc và học tập, đặc biệt là tập luyện thể dục thể thao.
Thiếu hụt ánh sáng mặt trời:
"Mỗi người sẽ có một chiếc đồng hồ sinh học của riêng mình để điều chỉnh tất cả hoạt động trong cuộc sống. Chiếc đồng hồ này bị chi phối rất nhiều bởi ánh sáng mặt trời", Đức Phong nói.
Chúng ta dễ tăng cân, tích mỡ hơn vào mùa đông.
Hormone melatonin trong cơ thể có vai trò kiểm soát giờ ngủ và sự tỉnh táo của chúng ta khi thức dậy. Loại hormone này được sản sinh nhiều hơn khi cơ thể thiếu ánh sáng mặt trời - tình trạng thường thấy ở mùa đông tại miền Bắc với bầu trời nhiều mây và âm u. Sự mất cân bằng của hormone này trực tiếp gây cảm giác buồn ngủ, thiếu tỉnh táo so với những ngày nắng.
Thiếu vitamin D:
Đây là một trong các hệ lụy khác của việc thiếu ánh sáng mặt trời. Cơ thể chúng ta có khả năng tổng hợp vitamin D thông qua ánh nắng. Vi chất này đóng vai trò quan trọng trong việc cải thiện tâm trạng, mật độ xương, hệ miễn dịch, đồng thời giảm viêm...
Huấn luyện viên Đức Phong kết luận: "Các tác nhân trên khiến tâm trạng của chúng ta trở nên tệ hơn vào mùa đông. Sự buồn chán, thời tiết lạnh kết hợp cảm giác đói bụng dẫn đến nhu cầu ăn nhiều hơn, từ đó thỏa mãn não bộ, mang lại tâm trạng thoải mái và lượng calo cần thiết để sinh nhiệt, giữ ấm".
Tuy nhiên, ăn nhiều hơn và vận động ít đi chính là 2 nguyên nhân gây ra tình trạng dư thừa calo, khiến cơ thể tích mỡ trong mùa đông. Do đó, Đức Phong đưa ra một số giải pháp cho những người vẫn mong muốn cải thiện vóc dáng và tăng hiệu quả công việc bất chấp khó khăn này.
"Trái ngược với sự sụt giảm melatonin trong mùa đông, một buổi tập luyện thể dục thể thao, đặc biệt với tạ và yêu cầu cơ bắp hoạt động, cơ thể chúng ta sẽ giải phóng rất nhiều dopamine, endorphine và seratonin - các loại hormone kích thích tâm trạng tích cực và tỉnh táo", huấn luyện viên này gợi ý.
Ngoài ra, chúng ta cũng nên bổ sung đầy đủ các vi chất thiết yếu thông qua chế độ ăn, nhất là vitamin D. Nếu cần thiết, mọi người có thể sử dụng thêm vitamin tổng hợp để đảm bảo nhu cầu của cơ thể trong mùa lạnh. Bên cạnh đó, dù đói bụng và hay thèm ăn, chúng ta cùng nên cố gắng hạn chế các thực phẩm từ nguồn tinh bột và chất béo không tốt như thức ăn nhanh, đóng hộp...