Tại sao cá sấu ở Nepal có màu cam kỳ lạ?

Cá sấu đầm lầy và cá sấu sông Hằng chuyển thành màu cam và các nhà khoa học cho rằng nguyên nhân nằm ở lượng sắt trong nước tại khu vực chúng sinh sống.

Những con cá sấu màu cam được phát hiện ở vườn quốc gia Chitwan dưới chân dãy Himalaya. Để tìm hiểu tại sao cá sấu có màu sắc kỳ lạ này, Phoebe Griffith, nhà nghiên cứu tại Viện sinh thái học nước ngọt và ngư nghiệp nội địa Leibniz, và cộng sự hợp tác với dự án Mecistops. Đây là dự án bảo tồn chuyên bảo vệ và tái giới thiệu cá sấu mũi hẹp (Mecistops cataphractus) tại Côte d'Ivoire và phía tây châu Phi.


Một con cá sấu màu cam trong vườn quốc gia Chitwan. (Ảnh: Phoebe Griffith).

Nhóm nghiên cứu phát hiện một số dòng sông và suối chảy qua vườn quốc gia có lượng sắt cực cao. Cá sấu đầm lầy và cá sấu sông Hằng dành nhiều thời gian dưới suối hoặc gần cửa sông, dần dần có màu cam đậm. Vài khu vực ở Chitwan có nồng độ sắt trong nước cao, sắt phản ứng với oxy tạo thành hợp chất màu cam gọi là oxit sắt. Do sống chủ yếu dưới nước, cá sấu sông Hằng không thích nghi tốt với việc đi lại trên cạn và chỉ bò lên bờ cát để sưởi nắng hoặc làm tổ. Dòng sông giàu sắt có thể khiến phần vảy và răng của chúng bao phủ một lớp hạt gỉ sét tạm thời.

Cá sấu sông Hằng (Gavialis gangeticus) là loài cá sấu nước ngọt cực kỳ nguy cấp có mõm thuôn dài và khối u lớn ở chóp. Con đực có thể dài 5 m và nặng tới 250 kg. Quần thể cá sấu sông Hằng ở Nepal đã giảm 98% từ thập niên 1940 do bị săn bắt quá mức, theo Hiệp hội Động vật học London. Phần lớn trong số 200 cá thể còn lại sống ở vườn quốc gia Chitwan, nơi chúng đối mặt nhiều nguy cơ khác như ô nhiễm, khai thác mở và số lượng cá giảm.

Cá sấu đầm lầy (Crocodylus palustris) phổ biến hơn, sinh sống ở các đầm lầy và đường thủy trải dài từ phía nam Iran tới tiểu lục địa Ấn Độ. Chúng có phần mõm rộng và kích thước tương tự cá sấu sông Hằng, nhưng có thể nặng gấp đôi tùy theo vòng ngực. Theo nhà động vật học Lala Aswini Kumar Singh, hạt gỉ sét bám trên cơ thể cá sấu có thể tự động trôi đi ở vùng nước sạch hơn.

Một nghiên cứu năm 2016 trên tạp chí Sinh thái học châu Phi ghi nhận cá sấu lùn (Osteolaemus tetraspis) sống trong hang động ở Gagon có thể chuyển thành màu cam do tiếp xúc với phân dơi chứa lượng lớn urea, hợp chất có tác động tẩy màu hình thành khi protein phân hủy trong gan.

Cập nhật: 07/06/2023 VnExpress
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video