Tại sao chim có thể làm rơi máy bay

Tại sao phi công lái máy bay lại "sợ" chim?

Là những cỗ máy nặng hàng chục tấn và làm từ những vật liệu siêu bền, nhưng máy bay lại có thể gặp vấn đề khi đối diện với những chú chim nhỏ bé.

Làm thế nào những con chim trời yếu ớt có thể hạ gục một con chim sắt khổng lồ?


Chim dễ bị hút vào động cơ khi đâm trúng máy bay. (Ảnh: abcnews.com).

Những tai nạn máy bay vì va chạm với chim

Phần lớn vụ va chạm xảy ra khi máy bay gần mặt đất, thời điểm cất cánh hoặc hạ cánh. Va chạm giữa chim trời và chim sắt có thể biến thành tai nạn nghiêm trọng nếu các con chim lớn thuộc các loài như ngỗng trời, kền kền và mòng biển bị hút vào động cơ phản lực, làm gãy cánh quạt khiến động cơ ngừng hoạt động.

Một trực thăng Black Hawk hư hại do đâm phải một con sếu. Cơ quan quản lý hàng không liên bang Mỹ (FAA) ước tính tai nạn do máy bay va chạm với chim khiến Mỹ thiệt hại 400 triệu USD hàng năm (gồm chi phí sửa chữa và những khoản lỗ do máy bay hư không thể tiếp tục hoạt động), khiến hơn 200 người thiệt mạng kể từ năm 1988.

Ngày 20/1/1995, một chiếc Dassault Falcon 20 rơi tại sân bay ở thủ đô Paris, Pháp, lúc cố gắng hạ cánh khẩn cấp. Nguyên nhân sự cố do một đàn chim te te đã bay vào động cơ máy bay gây hư hại động cơ và tạo ra một đám cháy ở thân máy bay. Tất cả 10 người trên phi cơ đều thiệt mạng sau vụ tai nạn.

Ngày 22/9/1995, một chiếc Boeing E-3 Sentry AWACS của Không quân Mỹ số hiệu 77-0354 rơi không lâu sau khi cất cánh từ căn cứ. Một vài con ngỗng đã bay vào động cơ gây hư hại nghiêm trọng. Máy bay rơi ở vị trí cách đường băng khoảng 3 km khiến toàn bộ 24 người trên phi cơ thiệt mạng.

Tháng 4/2007, một chiếc Boeing 757 của hãng Thomsonfly khi bay từ sân bay Manchester (Anh) đến sân bay Lanzarote (Tây Ban Nha) bị hư động cơ bên phải do ít nhất một con chim bay vào. Động cơ bốc cháy và tỏa khói nghi ngút. Máy bay phải quay trở về Manchester để hạ cánh khẩn cấp. Hơn 200 hành khách trên phi cơ trải qua khoảnh khắc đứng tim, nhưng may mắn là máy bay hạ cánh an toàn. Một người ở sân bay đã quay lại toàn cảnh sự cố.

Ngày 4/1/2009, một trực thăng Sikorsky S-76 đâm phải một con chim ưng đuôi đỏ khi đang bay tại bang Louisana (Mỹ). Chim ưng lao vào kính chắn gió của trực thăng ở vị trí bên phải phi công. Vụ va chạm khiến phần kính bị vỡ, dẫn đến hàng loạt sự cố khiến máy bay mất năng lượng và rơi xuống một đầm lầy. 8 trong số 9 người trên trực thăng thiệt mạng sau vụ tai nạn, hành khách còn lại bị thương rất nặng.


Các vụ tai nạn do đâm vào chim thường xảy ra khi máy bay cất hoặc hạ cánh. (Ảnh: HA).

Vụ tai nạn tại New York 15/01/2009 xảy ra ngay sau khi chiếc Airbus A320 của hãng US Airways cất cánh từ sân bay LaGuardia với 155 hành khách và phi hành đoàn. Các nguồn tin cho rằng máy bay đâm phải một đàn ngỗng trước khi hạ cạnh xuống mặt sông và điều thần kỳ xảy ra là không có ai thiệt mạng.

Nguy hiểm do chênh lệch tốc độ

Về mặt lý thuyết các máy bay lớn có thể tiếp tục bay sau khi va chạm với chim nặng tối đa 2 kg. Tuy nhiên, có tới 36 loài chim tại Bắc Mỹ có trọng lượng trung bình lớn hơn thế, trong khi ngay cả những loài chim nhỏ như sáo đá cũng có thể làm hỏng động cơ cực mạnh của máy bay.

Chênh lệch tốc độ giữa máy bay và chim càng lớn thì tác động của vụ va chạm đối với máy bay càng đáng sợ. Trọng lượng của chim cũng là một yếu tố, nhưng khác biệt tốc độ có vai trò lớn hơn. Một đàn chim sẽ trở nên nguy hiểm hơn nếu chúng đâm vào máy bay nhiều lần.

Dale Oderman, một giáo sư giảng dạy bộ môn kỹ thuật hàng không tại Đại học Purdue (Mỹ) cho biết chim là mối nguy hiểm lớn đối với phi cơ, đặc biệt là trong lúc cất cánh. “Ngỗng trời và các loài chim lớn đáng sợ hơn chim nhỏ. Khi chim va phải máy bay, chúng có thể bị hút vào động cơ và làm gãy cánh quạt. Chiếc cánh gãy bị hút sâu vào bên trong động cơ và làm hỏng các bộ phận khác”, ông nói.


Một chiếc Boeing 737 tại Sudan bị hỏng phần mũi vì va chạm với chim khi vừa cất cánh.( Ảnh: Aviation WG).

Hassan Shahidi, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của Tổ chức An toàn Chuyến bay, cho biết: Các cuộc ‘đụng độ’ với chim trên trời là mối nguy hiểm đối với ngành hàng không. Điều này xảy ra rất thường xuyên, không chỉ với máy bay thương mại mà còn với tất cả loại máy bay”.

Sự cố máy bay tông phải chim thường xảy ra khi máy bay ở gần mặt đất, nghĩa là ngay trước khi hạ cánh hoặc sau khi cất cánh - tức là lúc động cơ phản lực đang quay ở tốc độ tối đa.

Va chạm có thể biến thành tai nạn nghiêm trọng nếu các con chim là ngỗng trời, kền kền và mòng biển bị hút vào động cơ phản lực, làm gãy cánh quạt khiến động cơ ngừng hoạt động.

Mặc dù động cơ máy bay được bảo vệ bằng các lá chắn nhưng một cú lao thẳng của con chim nặng hơn 2 kg hoàn toàn có thể xé rách lớp bảo vệ này. Ngoài ra, nhiều khi chim lao vào cánh hoặc càng máy bay có thể gây ra các “báo động giả” khiến phi công xử lý tình huống sai.

Đồng quan điểm, ông Cao Văn Thái, Phó trưởng ban An ninh - an toàn, Tổng công ty Cảng hàng không (ACV) từng chia sẻ rằng chim trời rất nguy hiểm đối với hoạt động hàng không.

Khi va chạm với máy bay, chim có thể gây móp méo vỏ, nặng hơn có thể chui vào bánh lái, động cơ, phá hủy thiết bị khi máy bay đang di chuyển với tốc độ lớn, uy hiếp an toàn.

Chim càng lớn, tai nạn máy bay càng nguy hiểm

Theo CNBC, sự khác biệt về tốc độ của máy bay và chim càng lớn thì lực tác động lên máy bay càng lớn. Các tai nạn tông phải cả một đàn chim thậm chí còn nguy hiểm hơn nhiều vì chúng có thể gây ra nhiều cuộc va chạm liên hoàn.

Năm ngoái, FAA đã nhận được báo cáo về 17.200 vụ tai nạn ở Mỹ hoặc liên quan đến hãng hàng không Mỹ ở các sân bay nước ngoài. Con số này thấp hơn một chút so với báo cáo trong năm 2019, nhưng lại cao nhất trong 5 năm trở lại.

Mặc dù số lượng các cuộc va chạm đã lên tới hàng nghìn vụ, dữ liệu của FAA cho thấy thiệt hại được báo cáo chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ. Năm 2022, có 695 vụ việc gây ra ảnh hưởng và chỉ 36 trong số đó gây ra thiệt hại lớn. Tuy nhiên, theo báo cáo của FAA, thiệt hại do động vật hoang dã gây ra đối với ngành hàng không ở Mỹ vào năm 2021 ước tính lên đến 328 triệu USD.


Vụ tai nạn nổi tiếng năm 2009, khi máy bay từ New York va chạm với chim và phải đáp xuống sông. Bộ phim Sully ra mắt năm 2016 lấy kịch bản từ chính vụ tai nạn này. (Ảnh: AP).

Flavio Mendonca, trợ lý giáo sư tại Đại học Hàng không Embry-Riddle, cho biết các tai nạn liên quan đến chim có thể xảy ra bất kỳ lúc nào, chỉ cần chú chim đâm vào máy bay - dù là trên mặt đất hay trên không, đâm vào cánh, kính chắn gió hay bộ phận khác của máy bay. Ông cho biết kiểu tai nạn nguy hiểm nhất là khi một hoặc nhiều chú chim bay vào động cơ máy bay.

“Nếu chim bị động cơ ‘nuối chửng’, máy bay có thể bị hư hại nặng nề”, Flavio Mendonca cho hay. Mặc dù mất một động cơ không khiến máy bay rơi ngay được, phi công vẫn cần phải quay lại sân bay hoặc tìm nơi an toàn để hạ cánh ngay lập tức.

Theo Washington Post, vụ va chạm với chim nổi tiếng nhất là khi cả 2 động cơ của một chiếc máy hãng US Airways hỏng hóc sau khi đâm phải đàn ngỗng. Cụ thể, vụ việc diễn ra ngay sau khi máy bay cất cánh từ sân bay LaGuardia vào năm 2009. Sự cố khiến cả hai động cơ của máy bay bị hỏng, nhưng toàn bộ 155 hành khách vẫn sống sót nhờ cơ trưởng Sully điều khiển máy bay hạ cánh xuống sông Hudson.

Được mệnh danh là “Phép màu trên sông Hudson”, vụ tai nạn nổi tiếng này đã được dựng thành bộ phim ra mắt năm 2016. Sau tai nạn, chính quyền thành phố New York quyết định thực hiện nhiều biện pháp để giảm số lượng chim xung quanh sân bay.

NASA cũng sợ chim trời

Trong lần phóng tàu vũ trụ Discovery của Cơ quan không gian Mỹ (NASA) vào tháng 7/2005, người ta nhìn thấy một con kền kền bay quanh bệ phóng. Với trọng lượng trung bình 1,4 đến 2,2 kg, chim kền kền có thể gây ra thảm họa nếu nó đâm vào mũi hoặc cánh của tàu con thoi trong giai đoạn cất cánh.

NASA đề ra nhiều quy định an toàn từ năm 2005 để giảm thiểu nguy cơ va chạm với chim trong những lần phóng tàu vũ trụ. Họ không muốn chim đâm vào thùng nhiên liệu của tàu trong khi cất cánh và hạ cánh, bởi sự va chạm có thể làm hỏng bộ phận cách nhiệt. Do đó trong lúc hạ cánh, NASA dùng thiết bị tạo âm thanh để xua đuổi chim khỏi đường băng.

Cập nhật: 24/05/2024 Tổng hợp
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video