"Rung động điện thoại ảo" là một hiện tượng tương đối mới nhưng khá phổ biến hiện nay ở những người sử dụng điện thoại. Tại sao chúng ta lại cảm thấy điện thoại rung trong khi thực tế chúng không hề rung?
Có bao giờ đang làm gì đó bạn phải dừng lại kiểm tra chiếc smartphone trong túi quần vì cảm thấy nó đang rung trong khi thật sự không có gì xảy ra? Đây là một hiện tượng mới xuất hiện cách đây không lâu nhưng hầu như rất phổ biến ở những người sử dụng điện thoại. Cách đây 50 năm, chẳng bao giờ có ai cảm thấy trong túi mình có cái gì đó đang rung vì lúc đó khái niệm điện thoại di động khá xa lạ đối với người dùng và cũng không có ai lại đem một chiếc điện thoại bàn giấu trong túi quần cả.
Vậy chính xác rung động điện thoại ảo là gì? Đó là khi bạn cảm thấy chiếc điện thoại trong túi quần hoặc trong bao da đeo trên thắt lưng rung lên nhưng khi nhìn vào điện thoại bạn sẽ chẳng thấy gì cả: không tin nhắn, không thông báo Facebook, không cuộc gọi đến...
Mặc dù không có nhiều thông tin về hiện tượng này nhưng gần đây nhiều nghiên cứu đã thử tìm hiểu về nó. Một nghiên cứu được tiến hành tại đại học Indiana University và Purdue University năm 2012 cho thấy 89% sinh viên đại học được khảo sát trả lời rằng họ đã từng cảm thấy điện thoại di động rung ảo, khoảng hai tuần một lần. Tiếp tục nghiên cứu người ta thấy những rung động điện thoại này đôi khi là hệ quả từ sự gắn kết của chúng ta với công nghệ.
Tiến sĩ Larry Rosen, tác giả của cuốn sách "iDisorder: Understanding our Obsession with Technology and Overcoming its Hold on Us", đã có một số đề cập về hiện tượng rung động điện thoại ảo trong tác phẩm của mình. Ông lí giải trạng thái lo lắng có thể là nguyên nhân của một số hiện tượng ảo giác về thần kinh trong đó có rung động điện thoại ảo. Mới đây, khi được tạp chí ComputerWorld hỏi về hiện tượng này ông đã cho biết: "cơ thể của chúng ta luôn luôn chờ đợi để dự đoán bất kì loại tương tác công nghệ nào mà thường xuyên nhất là những tương tác từ điện thoại thông minh". Với một sự lo lắng trước cho những gì có thể xảy ra, nếu chúng ta nhận được bất kì kích thích thần kinh nào ví dụ như quần cọ xát vào da, chúng ta sẽ ngay lập tức tưởng tượng ra: "ồ điện thoại của tôi đang rung".
Rosen nhận thấy rằng điện thoại thông minh và việc suy nghĩ phải thường xuyên kiểm tra chúng đã trở thành một nỗi lo lắng thường trực ở con người. Ông đã xuất bản một nghiên cứu thực tế về vấn đề này để xem người sử dụng lo lắng như thế nào khi không thể kiểm tra được smartphone của họ. Rosen và các đồng nghiệp của ông đã phát hiện ra rằng những người hay lo lắng vì không thể kiểm tra tin nhắn, thông báo từ mạng xã hội trên điện thoại của họ càng có nguy cơ gặp phải các vấn đề như tâm thần, trầm cảm, rối loạn nhân cách khi họ sẵn sàng chống lại xã hội và chỉ yêu bản thân của mình.
Một nghiên cứu khác (thực hiện tại Trung tâm Y tế Baystate ở Springfield, bang Massachusset, Mỹ), sau khi kiểm tra sự phổ biến của hiện tượng này đã đưa ra một giải pháp để đối phó với hiện tượng "rung động điện thoại ảo", đó là họ nhận thấy rằng 75% số người được khảo sát cho biết họ không còn cảm thấy hiện tượng này khi chuyển điện thoại từ chế độ rung sang chế độ sử dụng chuông báo.
Về phía Rosen, ông khuyên những người sử dụng điện thoại nên rời khỏi chúng và đi ra ngoài dạo chơi khoảng 10 phút sau vài giờ làm việc và tập cho mình một thói quen chỉ kiểm tra điện thoại sau một thời gian định trước, ví dụ 15 phút kiểm tra một lần.