Tại sao chúng ta thấy đau khi ghen tức

Các nhà khoa học Nhật Bản vừa tìm ra vùng não điều khiển sự ghen tị và họ sửng sốt khi nhận thấy đó chính là vùng xử lý cảm giác đau đớn. 

Vùng não xử lý cảm giác đau đớn thể xác phát sáng khi chúng ta ghen tị. Ảnh: Daily Mail.


“Điều thú vị là vùng não phát hiện nỗi đau thể xác lại điều khiển cả nỗi đau tinh thần. Nó giúp chúng ta giải thích tại sao con người cảm thấy đau đớn khi ghen tị”, Hidehiko Takahashi, một chuyên gia thần kinh của Viện khoa học phóng xạ quốc gia Nhật Bản và là trưởng nhóm nghiên cứu, cho biết.

Các chuyên gia của viện trên đã mời 19 sinh viên đã có người yêu tham gia thử nghiệm. Nhóm nghiên cứu yêu cầu tình nguyện viên kể về một người nào đó có nhiều lợi thế hơn so với họ như giàu có, thành đạt hay hấp dẫn về ngoại hình. Trong lúc sinh viên kể chuyện, các nhà khoa học tiến hành chụp cộng hưởng từ não của họ.

Kết quả cho thấy, ở đa số sinh viên, khu vực xử lý cảm giác đau đớn thuộc vùng vỏ não trước trán đã phát sáng mạnh. Những người này sau đó thừa nhận họ cảm thấy ghen tị với nhân vật mà họ kể.

Sau đó nhóm nghiên cứu yêu cầu các sinh viên tưởng tượng ra một câu chuyện mà trong đó nhân vật của họ gặp những chuyện không may, như ngộ độc thức ăn, tai nạn giao thông, mất tài sản. Trong lúc họ kể, các nhà khoa học tiếp tục tiến hành chụp cộng hưởng từ. Kết quả cho thấy vùng não xử lý cảm giác vui sướng liên tục phát sáng.

Các nhà khoa học nhận định có một mối quan hệ giữa cảm giác ghen tuông và cảm giác vui sướng trước sự bất hạnh của người khác. "Chúng tôi đã hiểu rõ hơn cơ chế phản ứng của não trước rủi ro của người khác", Hidehiko phát biểu. 

Vùng não mang tên "schadenfreude” phát sáng khi chúng ta tưởng tượng hoặc chứng kiến rủi ro của người mà chúng ta ghen tị. Ảnh: Daily Mail.


Thái độ ghen tị không chỉ có ở con người mà còn xuất hiện ở nhiều loài động vật sống bầy đàn. Frans de Waal, một chuyên gia thuộc Trung tâm nghiên cứu động vật linh trưởng quốc gia Yerkes (Mỹ) từng tiến hành một thử nghiệm đối với khỉ để tìm hiểu xem chúng có biết ghen tức hay không.

Ông ra lệnh cho một nhóm khỉ thu hoạch dưa chuột trong một vườn. Đàn khỉ tỏ ra phấn khích và làm việc say mê cho đến khi Frans đưa vài quả nho cho một con. Những con còn lại lập tức ngừng làm việc và tỏ thái độ hằn học. "Phản ứng đó là biểu hiện của sự ghen tức hoặc phản đối", Frans nhận xét.

“Ghen tị không chỉ thúc đẩy con người thực hiện các hành vi dại dột, mà còn gặm nhấm sức khỏe của chúng ta. Nếu bạn là một người hay ghen tị, bạn sẽ có rất ít thời gian để nhận ra và hưởng thụ nhiều điều tốt đẹp trong cuộc sống”, Richard Smith, giáo sư tâm lý của Đại học Kentucky (Mỹ), kết luận.

Theo VnExpress (Daily Mail)
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video