Trong khi những mẫu xe có nguồn gốc từ châu Á thường rất dễ dàng bấm còi thì các mẫu xe có nguồn gốc từ châu Âu thường khó sử dụng còi hơn.
Cụ thể, những mẫu xe hơi đến từ châu Âu như Mercedes-Benz, BMW, hay Audi... thường rất khó bấm còi. Khi muốn sử dụng còi, người lái phải dùng cả bàn tay, ấn mạnh vào giữa vô lăng.
Trong khi đó, các mẫu xe đến từ châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc lại chỉ cần dùng ngón tay cái là có thể bấm còi.
Lý giải điều này, các chuyên gia cho biết, do các mẫu xe châu Âu được nhà sản xuất thiết kế bộ phận còi theo văn hóa, thói quen và quy cách sử dụng của người châu Âu.
Người châu Á thường có sở thích sử dụng còi, còn người châu Âu rất ít khi bấm còi khi tham gia giao thông. Do đó, trên đường phố tại các quốc gia ở khu vực châu Âu rất ít khi nghe được tiếng còi xe. Đặc biệt, hành vi bấm còi xe ầm ĩ ở các quốc gia châu Âu bị kỳ thị và lên án mạnh mẽ.
Người châu Âu ý thức rằng, việc sử dụng còi xe một cách tùy tiện sẽ gây ra ô nhiễm tiếng ồn, có hại cho sức khỏe của bản thân và cộng đồng. Chính những điều này đã tạo nên văn hóa sử dụng còi xe của người châu Âu.
Hiểu rõ vấn đề này, các nhà sản xuất thiết kế bộ phận còi trên các mẫu xe ở châu Âu rất khó bấm, một phần là để hạn chế lái xe bấm còi và cũng đáp ứng thói quen sử dụng của người châu Âu.
Còi xe ở châu Âu thường khó bấm và bấm nặng hơn so với còi xe ở châu Á. (Ảnh minh họa).
Trong khi đó, ở châu Á, việc sử dụng còi và bấm còi trở nên phổ biến, thậm chí bấn còi vô tội vạ làm người tham gia giao thông không phân biệt được lý do khi nghe thấy tiếng còi. Vì thế, việc sử dụng còi trở thành bão hòa và không tạo nên sự chú ý cho các lái xe khác. Như vậy tiếng còi mất đi phần nào tác dụng chính của nó.
Nguyên nhân là do đường phố có quá nhiều phương tiện tham gia giao thông, dẫn đến tình trạng phương tiện đi lại tuỳ tiện, gân tắc nghẽn, hỗn loạn đã dẫn đến các tài xế ô tô phải sử dụng còi nhiều để đảm bảo an toàn khi tham gia giao thông.
Và việc lạm dụng tiếng còi trong nhiều năm qua đã trở thành thói quen chung của đông đảo người dân, bởi ai cũng muốn đi nhanh, phương tiện nào cũng muốn mình được nhường đường. Và tiếng còi trở thành công cụ, lối thoát duy nhất.