Chuyển động của mảng kiến tạo Nam Mỹ và tương tác giữa nó với mảng kiến tạo bên cạnh thúc đẩy dãy Andes phát triển tới kích thước khổng lồ hiện nay.
Andes là dãy núi rất lớn, trải dài 8.900km qua Nam Mỹ với độ cao 7km và bề rộng 700km. Kiến tạo mảng, chuyển động của những mảng vỏ Trái đất lớn có thể tạo ra sống núi do phần dịch chuyển chậm bị đẩy lên bởi các khu vực di chuyển nhanh hơn. Dù quá trình này khá đơn giản về mặt lý thuyết, theo dõi tốc độ của chuyển động kiến tạo trong khoảng thời gian 10 - 15 triệu năm là việc khó khăn với giới địa chất học.
Andes là dãy núi dài nhất thế giới, kéo dài qua 7 nước. (Ảnh: Wikipedia).
Nhóm nghiên cứu đến từ Đại học Copenhagen, Đan Mạch, sử dụng một phương pháp phát triển gần đây để xem xét chi tiết hơn chuyển động của mảng kiến tạo Nam Mỹ hình thành dãy Andes. Họ phát hiện một số phần của mảng kiến tạo dịch chuyển chậm hơn 13% cách đây 10 - 14 triệu năm, và chậm hơn 20% cách đây 5 - 9 triệu năm, đủ để lý giải một số đặc điểm chúng ta thấy ngày nay. Họ công bố kết quả nghiên cứu tên tạp chí Earth and Planetary Science Letters, Science Alert hôm 23/4 đưa tin.
"Trong khoảng thời gian trước hai lần dịch chuyển chậm, mảng Nam Mỹ va chạm với mảng Nazca ở phía tây, xô đẩy các dãy núi và đè nén chúng, khiến chúng mọc cao hơn", nhà địa chất học Valentina Espinoza ở Đại học Copenhagen, giải thích. "Kết quả hé lộ một phần dãy núi tồn tại từ trước đóng vai trò như phanh hãm cả hai mảng kiến tạo Nazca và Nam Mỹ. Khi mảng kiến tạo giảm bớt tốc độ, dãy núi mọc rộng hơn".
Kỹ thuật sử dụng trong nghiên cứu bắt đầu với chuyển động của mảng kiến tạo xét theo điểm cố định trên Trái đất (APM). APM chủ yếu được xác định thông qua nghiên cứu hoạt động núi lửa ở lớp vỏ, trong đó đường đi của magma cho các nhà địa chất học biết mảng kiến tạo dịch chuyển như thế nào. Tiếp theo, Espinoza và cộng sự xét tới chuyển động của mảng kiến tạo tương ứng với nhau (RPM), tính toán dựa trên nhiều yếu tố, bao gồm dữ liệu từ hóa trong sự xê dịch lớp đá dưới đáy đại dương. Phương pháp cung cấp dữ liệu độ phân giải cao hơn trong khung thời gian nhỏ hơn APM.
Để xác định tốc độ chuyển động của mảng kiến tạo Nam Mỹ, các nhà địa chất học sử dụng dữ liệu RPM độ phân giải cao để ước tính APM thông qua toán học. Phương pháp cho phép nhóm chuyên gia hiểu rõ hơn tương tác giữa các mảng kiến tạo. Theo nhà địa chất học Giampiero Iaffaldano ở Đại học Copenhagen, phương pháp như vậy có thể áp dụng với mọi mảng kiến tạo, giúp tinh chỉnh mô hình lịch sử và cải thiện khả năng tái tạo hiện tượng địa chất mà con người chưa hiểu rõ.