Tại sao giới trẻ bị thuốc lá điện tử lôi kéo?

Mua dễ dàng, giá rẻ, hình thức sản phẩm "sành điệu" là ba trong nhiều nguyên nhân khiến thuốc lá điện tử thu hút giới trẻ.

Dắt xe ra khỏi cổng trường, Duy, học sinh lớp 8 một trường trung học ở quận Hoàng Mai (Hà Nội), lấy trong túi quần ra chiếc pod (thuốc lá điện tử) có hình mèo máy Doremon. Hít một hơi dài, Duy chu miệng, nhả ra 3 làn khói hình chữ O, hương vị bạc hà xộc vào mũi. Ngồi sau xe máy, cậu rít liên tục, thỉnh thoảng đưa vào miệng người bạn chở mình, cho hút cùng.

Duy biết đến pod cách đây 3 tháng, được một học sinh khóa trên cho hút thử. Cậu nhịn ăn sáng vài tuần, lấy tiền mua thuốc lá điện tử. "Hút cái này không sao, toàn mùi thơm hoa quả", Duy nói, thêm rằng một ngày không hút cảm thấy thiếu và bứt rứt trong người.

Lớp của Duy có hơn 30 học sinh, trong đó khoảng 1/4 người, gồm cả con gái, hút loại thuốc lá mới này. Địa điểm tụ tập để hút thường trước nhà vệ sinh, trong cửa hàng tiện lợi gần trường học, quán game và công viên.

Chị Hạnh, 42 tuổi ở Đống Đa (Hà Nội), sốc khi phát hiện cô con gái học lớp 10 hút thuốc lá điện tử. "Lần nào mẹ phát hiện con đều hứa sẽ bỏ nhưng vẫn tái phạm", chị nói.

Lớp của con chị Hạnh có 25 học sinh thì khoảng 8 bạn hút, gồm cả trai lẫn gái. Người mẹ đang hoảng loạn không biết làm sao giúp con nhận thức sự độc hại của thuốc lá điện tử để từ bỏ. Chị tính đến phương án chuyển trường hoặc đưa con đi cai nghiện.


Thuốc lá điện tử thiết kế bắt mắt như món đồ chơi hay thức uống. (Ảnh: Lê Nga).

Cũng như Duy và con gái chị Hạnh, nhiều trẻ vị thanh niên khác đang trở thành "mục tiêu" của thuốc lá mới. Thống kê từ Bộ Y tế, chỉ trong hai năm, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử trong học sinh 13-15 tuổi đã tăng nhanh chóng, từ 3,5% năm 2022 lên 8% năm 2023. Ở người trên 15 tuổi, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử cũng tập trung ở nhóm tuổi trẻ.

Nghiên cứu do Trường Đại học Y tế công cộng (được hỗ trợ bởi Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá và Tổ chức Y tế Cộng đồng toàn cầu Vital Strategies) mới công bố cho thấy trong tháng 10-12/2023, 14% học sinh đã sử dụng thử thuốc lá điện tử và 7% đang sử dụng trong 30 ngày qua. Trên 3.800 học sinh từ lớp 6 đến lớp 12 tại 11 tỉnh thành tham gia nghiên cứu này.

"Mục tiêu giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá điếu thông thường trong gần 10 năm qua có nguy cơ bị phá bỏ bởi tăng sử dụng thuốc lá điện tử ở giới trẻ", TS Hà Anh Đức, Cục trưởng Cục khám chữa bệnh, Bộ Y tế, nói.

Bà Lê Thị Thu, đại diện Tổ chức Health Bridge tại Việt Nam, cho biết thêm nhằm duy trì sản lượng thuốc lá và tăng trưởng lợi nhuận (khi chính phủ các nước thực hiện giải pháp phòng chống tác hại thuốc lá), ngành công nghiệp này tìm kiếm người thay thế là giới trẻ. Thống kê cho thấy 58% người sử dụng thuốc lá điện tử là người hút mới.

Chuyên gia cho hay có rất nhiều con đường dẫn trẻ vị thành niên đến với thuốc lá mới. Đầu tiên, do tâm lý độ tuổi này muốn thể hiện bản thân, chứng tỏ mình là người lớn hoặc bị bạn lôi kéo, dụ dỗ. Mặt khác, các em có chuyện buồn, áp lực gia đình, học hành. Nhiều em sinh trưởng trong gia đình có người lớn thường xuyên sử dụng. "Song, con đường rộng mở nhất là do mua bán thuốc lá điện tử quá dễ dàng, giá cả không quá đắt", bà Thu nói.

Ở Việt Nam, thuốc lá điện tử đang được quảng cáo khá phổ biến trên mạng xã hội. Các thiết kế sản phẩm bắt mắt, nhỏ gọn, nhiều hương vị, giá rẻ... Chúng được người nổi tiếng quảng cáo, bán rộng rãi qua các trang thương mại điện tử. Một báo cáo rà soát tin tức về thuốc lá và phòng chống tác hại thuốc lá trên các kênh truyền thông Internet tại Việt Nam cho thấy trong vòng 3 tháng (7-9/2019) có hơn 61.000 tin, bài đăng liên quan đến thuốc lá điện tử. Trong đó, 99% tin bài được đăng trên Facebook, nội dung chủ yếu là mua bán, quảng cáo, review kinh nghiệm sử dụng.


Thuốc lá điện tử được bày bán cửa hàng tạp hóa, trà đá. (Ảnh: Hạnh Nguyên).

Giám đốc điều hành Trung tâm Quản trị và Kiểm soát thuốc lá toàn cầu (GGTC, Thái Lan) Bungon Ritthiphakdee cho rằng ngành công nghiệp thuốc lá đang tìm cách "lách" các quy định quản lý bằng việc giới thiệu sản phẩm mới như thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, nhằm đối phó với các quy định ngày càng nghiêm ngặt đối với thuốc lá truyền thống. Họ đưa ra hướng tiếp cận giảm tác hại của thuốc lá điếu thông thường bằng việc sử dụng thuốc lá điện tử, nung nóng.

Song, ông Nguyễn Tuấn Lâm, đại diện Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam, khẳng định thuốc lá điện tử chứa nicotine (chất gây nghiện mạnh), đặc biệt gây hại lên sức khỏe trẻ em, vị thành niên và phụ nữ có thai. Các chất độc được thấy trong dung dịch điện tử và trong khói. Vì vậy, thuốc lá này có hại cho cả người dùng và người xung quanh.

Thuốc lá điện tử cũng không phải là phương pháp hỗ trợ cai thuốc lá hiệu quả. Những người hút thuốc cố gắng cai thuốc bằng cách sử dụng thuốc lá điện tử thường kết thúc bằng việc dùng cả thuốc lá điện tử và thuốc lá thông thường. Ngoài ra, thanh thiếu niên sử dụng thuốc lá mới có khả năng bắt đầu hút thuốc lá thông thường cao gấp ba lần.

Trước bối cảnh này, Bộ Y tế đang nghiên cứu đề xuất Chính phủ trình Quốc hội ban hành Nghị quyết cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, quảng cáo thuốc lá điện tử và các sản phẩm tương tự. Về lâu dài, Bộ Y tế sẽ sửa đổi, bổ sung Luật Phòng chống tác hại thuốc lá để bảo đảm tính thống nhất.

Cập nhật: 15/11/2024 VnExpress
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video