Thống kê của Bộ Công an, hiện nay, cả nước có gần 240.000 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý, trong đó phần lớn là thanh niên, chiếm khoảng 60% người nghiện lần đầu từ 15 đến 25 tuổi.
Có trẻ 13 tuổi đã sử dụng ma túy
Những năm gần đây, vấn nạn ma túy tại Việt Nam đã có nhiều biến động phức tạp, với sự xuất hiện ngày càng đa dạng và tinh vi của các loại ma túy mới.
Đáng lo ngại hơn, trong số này người nghiện ma túy tổng hợp chiếm đến 70-75%, với tỷ lệ người nghiện ma túy đá và các chất kích thích ngày càng tăng cao.
Chia sẻ tại tọa đàm "Phòng ngừa trước các dạng thức ma túy mới", do báo Dân trí tổ chức, Trung tá Phan Đăng Trung, Phó trưởng Phòng 6, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Bộ Công an, nhận định đang có nhiều thay đổi trong xu hướng sử dụng ma túy.
Trung tá Phan Đăng Trung, Phó trưởng Phòng 6, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Bộ Công an (Ảnh: Mạnh Quân).
Thứ nhất về các loại ma túy
So với trước đây, người dùng ma túy chuyển hướng sử dụng các loại ma túy mới, không phải ma túy truyền thống có nguồn gốc từ thuốc phiện (gọi chung là nhóm Opiats) như: Heroin, Morphin, Codein, Pethidin, Buprenorphin.
Hiện nay, khoảng 80-90% đã chuyển sang sử dụng ma túy tổng hợp - tức là loại ma túy được tổng hợp nên từ các loại hóa chất (các hóa chất này được gọi là tiền chất). Ví dụ: Amphetamin, MDMA, ecstasy, ma túy đá, LSD (ma túy bùa lưỡi), thuốc lắc, cần sa... hoặc sử dụng song song vừa ma túy có nguồn gốc từ nhóm Opiats vừa ma túy tổng hợp.
Thủ đoạn mới phát hiện và tương đối phổ biến hiện nay, các đối tượng lợi dụng tẩm ướp các chất ma túy vào thực phẩm, đồ uống, thuốc lá điện tử... và tổ chức mua bán trên các nền tảng mạng xã hội...
"Qua các vụ việc chúng tôi phát hiện được, ma túy được ngụy trang "núp bóng" trong các loại hàng hóa trên, đa số là các loại ma túy tổng hợp, tinh dầu cần sa, thậm chí một số loại rất mới chưa có trong danh mục các chất ma túy và tiền chất theo quy định của Chính phủ", ông Trung cho hay.
Thứ hai là thành phần, lứa tuổi
Người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy hiện nay rất đa dạng về thành phần, trong đó có cán bộ, công chức, viên chức, công nhân, nông dân, học sinh - sinh viên, cả người có việc làm và không có việc làm.
"Nguy hiểm hơn, tình trạng nghiện và sử dụng trái phép chất ma túy ngày càng có xu hướng trẻ hóa. Theo thống kê, khoảng 60% người sử dụng ma túy lần đầu trong độ tuổi 15-25, trong đó có nhiều em ở độ tuổi 13-15 tuổi.
Trong tổng số 95% người sử dụng ma túy tổng hợp thì có tới 70-75% người trong độ tuổi 17-35 tuổi, chiếm tỉ lệ lớn là thanh niên, học sinh, sinh viên", ông Trung thông tin.
Loại ma túy nguy hiểm nhất, hay ẩn mình trong thuốc lá điện tử
Theo TS.BS Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, hiện nay có rất nhiều loại ma túy khác nhau. Đáng chú ý, nhiều loại ma túy mới rất khó phát hiện và có thể ẩn mình trong đồ ăn, thức uống, thuốc lá điện tử... gây nhiều thách thức trong công tác phòng chống ma túy.
TS.BS Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai (Ảnh: Mạnh Quân).
Trong số các loại ma túy mới, theo BS Nguyên, cần sa tổng hợp là nguy hiểm nhất khi xét trên nhiều khía cạnh.
"Đây là một nhóm bao gồm rất nhiều các hóa chất khác nhau. Chỉ bằng một vài phản ứng hóa học kẻ xấu có thể tạo ra một hợp chất mới. Các loại hóa chất này luôn nhiều hơn và vượt ra khỏi danh mục cấm của tất cả các quốc gia", BS Nguyên thông tin.
Theo chuyên gia này, các loại cần sa tổng hợp hiện nay có khoảng vài trăm chất. Năng lực xét nghiệm của tất cả các nước đều không thể xét nghiệm, phát hiện hết.
Cần sa tổng hợp có thể ẩn mình trong thuốc lá điện tử (Ảnh: Getty).
Để xét nghiệm một chất phải cần có labo xét nghiệm hàng đầu của quốc gia với các trang thiết bị vô cùng phức tạp, chuyên sâu, tốn kém với rất nhiều nhân lực trình độ cao, phải mất nhiều ngày nhiều tháng mới xét nghiệm phát hiện ra một chất.
Đáng chú ý, BS Nguyên cho biết, cần sa tổng hợp thường được ngụy trang rất tinh vi. Từ thực tế lâm sàng, theo BS Nguyên, loại ma túy đưa vào trong thuốc lá điện tử hoặc tẩm vào các loại thảo mộc dạng cây, lá vụn hay thường được gọi là "cỏ".
Nói chung các loại ma túy đều là các chất tác động mạnh lên hệ thần kinh và tâm thần, gây ra các cảm nhận và suy nghĩ sai lệch về môi trường xung quanh (hay còn gọi là hoang tưởng ảo giác).
"Đây là các chất kích thích thần kinh mạnh và gây tổn thương nhiều cơ quan khác nhau. Thông tin về đặc tính và tác dụng gây nghiện rất phức tạp", BS Nguyên khẳng định.
Dấu hiệu nhận diện người nghiện ma túy
Theo BS Nguyên phát hiện sớm việc sử dụng ma túy để có biện pháp can thiệp là đặc biệt quan trọng.
Việc này có thể thực hiện dựa vào các biểu hiện về thói quen, sinh hoạt, hành vi trong hàng ngày.
Theo đó, người nghiện ma túy sẽ có lịch trình sinh hoạt giờ giấc thất thường, ví dụ thường đi về muộn hoặc đột xuất vắng mặt không rõ lý do, có xu hướng đến các tụ điểm vui chơi giải trí (hộp đêm, sàn nhảy, tụ tập bạn bè chơi đêm, tiệc tùng...) thường xuyên hơn.
Ngoài ra, trang phục và hình thức của người nghiện có thể đặc biệt hơn người khác.
"Người nghiện có thể có các biểu hiện ngộ độc nhẹ hoặc các biểu hiện liên quan còn tác dụng ma túy, đặc biệt khi mới sử dụng xong ví dụ: Hưng phấn quá mức, nói nội dung khác thường, có thể vẫn còn hoang tưởng ảo giác, có thể run, vã mồ hôi", BS Nguyên thông tin.
Bên cạnh đó, người nghiện có thể gặp các vấn đề liên quan đến tài chính, ví dụ thường xuyên vay mượn tiền bạc hơn.
Những người nghiện cũng có xu hướng cảm thấy bất an, lo lắng hoặc tránh một số tình huống như khi có ai đó kiểm tra các khu vực riêng tư của mình (phòng riêng, túi hoặc ví), hoặc những khi gặp lực lượng công an.
Nhiều giải pháp đang được triển khai để đối phó ma túy
Theo ông Trung, Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành, địa phương cùng toàn dân đã triển khai nhiều giải pháp để đối phó với vấn nạn ma túy, đặc biệt là xu hướng ma túy mới trong đó tập trung vào các nội dung chính:
1. Giảm cung: Tăng cường công tác đấu tranh trấn áp tội phạm ma túy, không để ma túy thẩm lậu từ nước ngoài vào trong nước; không để Việt Nam trở thành địa bàn sản xuất, tập kết, trung chuyển, tiêu thụ ma túy lớn cũng như địa bàn hoạt động của tội phạm ma túy.
2. Giảm cầu: Tập trung tuyên truyền phòng ngừa, thực hiện các biện pháp phòng ngừa xã hội (tuyên truyền vận động, nâng cao nhận thức, đời sống văn hóa cho nhân dân, nhất là đối tượng có nguy cơ cao, đặc biệt là học sinh- sinh viên). Mục đích để không làm tăng và tiến tới làm giảm số người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy - tức là "giảm cầu" về ma túy.
3. Giảm tác hại: Đối với đối tượng đã trót nghiện, sử dụng trái phép chất ma túy thì thực hiện các biện pháp cai nghiện hiệu quả, không để tái nghiện sau khi trở về cộng đồng; quản lý tốt người sử dụng trái phép chất ma túy, không để tiếp tục sử dụng dẫn đến nghiện, theo quy định của Luật phòng, chống ma túy.