Tại sao không làm xét nghiệm luôn mà cứ phải mất thời gian khám bệnh?

Đã bao giờ bạn thắc mắc vì lí do gì bác sĩ luôn thăm khám trước khi chỉ định xét nghiệm, trong khi có những bệnh chỉ cần nhìn vào chỉ số kết quả là biết được ngay?

Nếu vừa vào viện, thay vì đợi bác sĩ khám thì đưa đi xét nghiệm luôn, chẳng phải chẩn đoán bệnh sẽ đơn giản và nhanh chóng hơn biết bao nhiêu ư?

Tất nhiên, các bác sĩ đã từng nghĩ đến điều này rồi, và họ vẫn chọn làm theo quy trình tuần tự như vậy là có lí do cả.

Lý do đầu tiên có lẽ ai cũng đoán ra, đó là chi phí. Việc thử tất cả mọi khả năng bệnh là rất tốn kém. Muốn chạy phản ứng cần phải có hóa chất và máy móc chuyên dụng, mà những thứ này thường không rẻ chút nào.

Bằng việc khảo sát các triệu chứng của bệnh nhân, bác sĩ sẽ loại bỏ một số khả năng không thể xảy ra và chỉ tập trung vào vài kết quả nhất định từ phía phòng xét nghiệm.

Tuy nhiên, lí do quan trọng hơn cả, đó là sự sàng lọc của bác sĩ sẽ làm giảm tác động của hai hiện tượng y học đặc biệt. Chúng có tên là dương tính giả và âm tính giả.

Cái gì giả cơ?

Dương tính giả là xét nghiệm cho kết quả dương tính trong khi người kiểm tra hoàn toàn khỏe mạnh. Tương tự, âm tính giả thì là xét nghiệm cho kết quả âm tính, trong khi người kiểm tra đã mắc bệnh.


Hai hiện tượng trên là tình trạng xét nghiệm không chính xác với bệnh.

Ngắn gọn hơn, âm tính hay dương tính giả là tình trạng kết quả xét nghiệm thu được không chính xác với tình trạng bệnh.

Nhưng tại sao lại có chuyện này? Chẳng phải xét nghiệm máy móc là tuyệt đối chính xác hay sao?

Ồ không! Chúng ta đều biết rằng mọi quy trình trên đời đều có những lỗ hổng. Ngay cả những xét nghiệm có độ chính xác cao nhất cũng chỉ cho ra kết quả đúng đến 99% mà thôi.

Điều đó nghĩa là cứ 1000 người ngẫu nhiên làm xét nghiệm, sẽ có 10 người bị chẩn đoán sai. Những người này hoặc không được tham gia chữa trị kịp thời, hoặc sẽ phải sử dụng một loạt thuốc men, trị liệu… thừa thãi và lo lắng về thứ bệnh mà thậm chí họ không hề mắc.

Và ta có thể chắc chắn là cả hai khả năng đều dẫn đến những hậu quả khôn lường.


Vài ngành nghề có thể chấp nhận sai số, nhưng y học thì không.

Một vài ngành nghề có thể chấp nhận sai số, nhưng y học thì không. Mọi mạng sống đều quý giá và vì thế mà việc sàng lọc lâm sàng luôn phải tồn tại. Thay vì lấy ngẫu nhiên 1000 người để làm xét nghiệm, bác sĩ dựa trên mô tả về triệu chứng và thói quen sinh hoạt của bệnh nhân để tìm ra 100 người có nguy cơ bị bệnh.

Đem 100 người đó đi thử máu, xác suất chẩn đoán nhầm giảm xuống chỉ còn 1 người.

Vậy nếu đã qua sàng lọc mà âm tính và dương tính giả vẫn xảy ra thì đây có phải là lỗi của các bác sĩ không nhỉ?

Cũng có thể, vì đã là con người, ai cũng sẽ có lúc mắc lỗi. Các chuyên gia xử lí xét nghiệm không phải là ngoại lệ.


Nên chọn khám ở những bệnh viện uy tín và có thể tìm hiểu trước về độ chính xác của xét nghiệm.

Tuy vậy bên cạnh đó cũng có rất nhiều nguyên nhân khác dẫn đến sự sai lệch của kết quả như:

  • Lời mô tả bệnh của bệnh nhân trong khi khám lâm sàng không chính xác, hoặc bệnh nhân nói dối vì các lí do cá nhân dẫn đến sự nhầm lẫn trong chẩn đoán.
  • Một vài chất có trong máu (từ đồ ăn hoặc khí bị ô nhiễm chẳng hạn) làm phản ứng đi lệch hướng.
  • Trong vài trường hợp, hoạt động sinh lí bất thường của vi khuẩn (như việc tự ngưng kết ngẫu nhiên khi chưa gặp thuốc thử,…) sẽ gây nhiễu cho việc kết luận bệnh.
  • Hạn chế về máy móc, thiết bị kĩ thuật, khu vực bảo quản mẫu thử…

Liệu có cách nào làm giảm tỉ lệ này xuống không?

Chúng ta nên chọn khám ở những bệnh viện uy tín và có thể tìm hiểu trước về độ chính xác của xét nghiệm. Bên cạnh đó, chú ý tuân theo chỉ dẫn trước khi xét nghiệm, cố gắng cung cấp thông tin chi tiết và chính xác nhất cho bác sĩ, tuyệt đối không nên nói dối vì bất kì lí do nào.

Ngoài ra khi đã nhận được kết quả, bạn có thể đi kiểm tra lại ở một vài nơi khác để đối chiếu các kết luận của bác sĩ và từ đó tìm ra kết luận chuẩn xác nhất.

Cập nhật: 02/07/2018 Theo helino
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video