Tại sao khứu giác có thể giúp khôi phục trí nhớ?

Tại sao ngay khi bạn ngửi một bông hoa nào đó, thậm chí là một loại nước hoa, hương vị món ăn mẹ nấu hay mùi của khói bay ra từ cánh rừng bị cháy đâu đó từ khoảng cách xa thì những kỷ niệm và cảm xúc bỗng nhiên ùa về như thể bạn vừa có một chuyến hành trình ngược thời gian trở về thời điểm mà bạn đã từng ngửi thấy mùi đó?


Khứu giác có thể giúp bạn hồi phục trí nhớ

Câu trả lời chính là não của bạn đã truyền tin cho bạn và khứu giác là một trong những giác quan gắn chặt với trí nhớ hơn là thị giác, vị giác, xúc giác hay thính giác.

Khứu giác là một trong năm giác quan cơ bản của con người và động vật, có chức năng cảm nhận mùi. Bình thường, mũi người có chừng 100 triệu tế bào thần kinh để ngửi và khoảng 1.000 gene khác nhau nằm trong các tế bào cảm thụ khứu giác này. Mỗi thụ thể thần kinh chỉ phân tích, tiếp nhận một số mùi nhất định. Tín hiệu điện từ thụ thể khứu giác sẽ được chuyển về não bộ để xác định được mùi hương.

Con người có khoảng hơn 400 cơ quan thụ cảm có khả năng nhận dạng một nghìn tỷ mùi khác nhau. Mặc dù khoa học chưa thể làm sáng tỏ tất cả những bí ẩn đằng sau các phản ứng thần kinh của những mùi vị đã được phát hiện này, tuy nhiên, một bằng chứng có ý nghĩa đã chỉ ra rằng mùi thơm có tác động mạnh tới khả năng của bộ não trong việc hồi tưởng lại những gì đã xảy ra trong quá khứ, thậm chí là diễn ra cách hiện tại nhiều thập kỷ.

Từ phân tử mùi cho tới màng nhầy

Nếu bạn cầm một đồ vật có mùi thơm và ngửi thì các phân tử mùi dễ bay hơi sẽ thâm nhập vào mũi nhờ sự vận chuyển của không khí. Tại mũi nó sẽ tự phân tán vào dịch nhầy được tiết ra từ màng nhầy của mũi. Tiếp theo, dịch nhầy sẽ liên kết với các dây thần kinh khứu giác để chuyển đổi các thông tin trở thành tín hiệu điện, dẫn truyền về não bộ qua xương sàng, đi vào trung tâm xử lý khứu giác, từ đó não bộ nhận ra mùi.


Khứu giác có thể giúp hồi phục trí nhớ

Một tín hiệu được truyền dọc theo hàng ngàn dây thần kinh được gọi là sợi trục thần kinh, dù bằng cách nào thì chúng cũng sẽ hội tụ tại hành khứu giác (olfactory bulb) nằm trên thùy trán của não - nơi các tín hiệu này được xử lý.

Trong hành khứu giác có các khứu cầu (glomerulus), mỗi khứu cầu có một vị trí xác định. Mỗi tế bào khứu giác thuộc nhóm giống nhau (có cảm nhận mùi như nhau) đều có một dây thần kinh dẫn đến tập trung vào một khứu cầu, từ khứu cầu đó chỉ có một dây thần kinh đến não. Như vậy, khi nhận được tín hiệu điện, não nhận biết ngay được là tín hiệu điện từ khứu cầu nào đến, tức là mùi gì (do loại phân tử mùi gì gây ra). Nói cách khác não nhận biết được mùi theo địa chỉ của khứu cầu ở hành khứu giác đã gửi tín hiệu điện đến não.

Kết nối trong hồi hải mã (hippocampus)

Một khi được xử lý, thông tin sẽ tiếp tục được truyền qua các phần khác nhau trong não gần với hành khứu giác, đặc biệt là hệ viền - nơi chịu trách nhiệm lớn trong việc điều khiển các phần nguyên sơ nhất trong não bộ như tâm trạng, trí nhớ, tình cảm và hành vi.

Hồi hải mã - bộ phận có hình dạng như cá ngựa thuộc hệ viền, được biết đến với vai trò cốt lõi trong việc tạo ra và lưu trữ những khoảnh khắc mà chúng ta đã trải qua.

Thực tế, hồi hải mã được đặt ở vị trí ngay cạnh hành khứu giác.

Đầu tiên, mùi sẽ được phát hiện và xử lý, não bắn ra thông tin cho hồi hải mã và các vùng khác trong hệ viền, liên kết mùi đó với một người, một nơi, một thứ hoặc một sự kiện và sau đó, hồi tưởng lại các ký ức có liên quan tới mùi đó.

Tại đây, quá trình phát hiện mùi hương sẽ kích thích các khu vực khác nhau trong não bộ để gợi các kỷ niệm xưa cũ.


Sức mạnh của mùi đối với người mất trí nhớ

Khứu giác của con người mặc dù không được đánh giá là xuất sắc trong thế giới tự nhiên nhưng lại có tác động mạnh đến tư duy và cách hành xử của loài người. Trung tâm xử lý khứu giác nằm trên vỏ não gần vùng trí nhớ và cảm xúc nên một mùi quen thuộc có thể gợi nhớ những hình ảnh xa xưa hay nhiều cảm xúc vui buồn khác nhau. Nghiên cứu chỉ ra sự mất mát lớn khó tưởng tượng nổi trong bản thân những người, vì lý do nào đó, mất đi khứu giác. Có lẽ, do chúng ta ban đầu không đánh giá cao khứu giác như các giác quan khác, chỉ thật sự hiểu ra khi mất đi khả năng tận hưởng hương vị trong cuộc sống.

Khứu giác cũng giúp con người nhận biết các mùi có tính chất độc hại nguy hiểm như mùi của thức ăn bị hư thối, mùi gas, mùi các chất khí độc hại ô nhiễm... Khứu giác còn hỗ trợ sự giao lưu và quan hệ xã hội giữa con người với con người.

Sự khác biệt

Điều khiến khứu giác khác biệt so với 4 giác quan còn lại đó chính là khả năng xâm nhập vào não bộ theo một cách trực tiếp hơn rất nhiều, không thông qua vùng dưới đồi (thalamus) - vùng nằm giữa đại não (cerebral cortex) và trung não (midbrain).

Thông tin được thu nhận thông qua nhìn hoặc nghe phải đi qua vùng dưới đồi đầu tiên. Mặc dù không rõ ràng quá trình này sẽ tác động tới các giác quan như thế nào nhưng hiển nhiên việc nhìn và nghe ít có tác động tới các khu vực sâu trong não trong so sánh với việc ngửi.

Thực tế là mùi hương đi trực tiếp tới hành khứu giác để được xử lý mà không cần qua bất cứ cấu trúc nào khác. Đây không chỉ là lý do tại sao những ký ức mạnh mẽ có thể ùa về một cách rõ ràng thông qua hành động ngửi mà còn giải thích cho việc tại sao nỗ lực mô tả những mùi hương bằng cách sử dụng từ ngữ là cực kỳ khó khăn, nếu không muốn nói là không thể.


Không phải lúc nào khứu giác cũng có thể giúp khôi phục trí nhớ

Tuy nhiên, các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng con người có thể nhận dạng ít hơn một nửa số mùi được tạo ra bởi các đồ vật mà họ tiếp xúc với hoặc các sự kiện mà họ trải qua trong cuộc sống hàng ngày, trừ khi, chắc chắn là họ được gợi nhớ lại bởi một từ ngữ hoặc hình ảnh nào đó.

Ở một nơi nào đó trong tất cả những kỷ niệm, từ con người, sự kiện và địa điểm mà chúng ta từng trải qua trong suốt cuộc đời đều được liên kết với những mùi hương nhất định, được cất giữ sâu trong cảm xúc, ngữ cảnh và những ký ức gắn liền với chúng. Thực sự phức tạp hơn rất nhiều so với việc dùng ngôn ngữ để diễn tả.

Có thể bạn đã biết

Tại sao một số đồ vật không có mùi, chẳng hạn như thanh sắt? Đơn giản vì chúng chẳng hề có mùi gì tỏa ra cả. Mũi chỉ nhận biết được mùi hay nói cách khác là chúng ta ngửi được mùi chỉ khi đồ vật đó có các phân tử mùi bay hơi ra không khí mà thôi.

Cập nhật: 30/03/2016 Nắng Mai - Theo Factorialist
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Danh nhân thế giới

Khoa học vũ trụ

1001 bí ẩn

Ngày tận thế

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Lịch sử

Khoa học quân sự

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Bệnh và thông tin bệnh

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Virus Covid 19

Ứng dụng khoa học

Khoa học & Bạn đọc

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Góc hài hước

Video