Màu mắt là độc nhất và riêng biệt như vân tay của mỗi người. Bạn có thể thấy người xung quanh cùng có màu mắt nâu hoặc đen như mình, nhưng chắc chắn màu mắt ấy hoàn toàn khác biệt. Bạn cũng từng thấy nhiều người sinh ra có mắt màu xanh, nhưng lớn lên lại có màu nâu. Vì sao lại có sự khác biệt như vậy? Dưới đây là những lý giải.
Màu mắt nói gì?
Đôi mắt là cửa sổ tâm hồn, nhưng cũng là cánh cửa của gene di truyền. Mống mắt (iris), phần chính tạo sắc tố cho mắt, là phần chịu trách nhiệm điều chỉnh lượng ánh sáng đến võng mạc thông qua việc thay đổi kích thước của đồng tử. Nhưng tại sao mống mắt lại có màu sắc khác biệt?
Màu mắt hình thành và thay đổi như thế nào?
Màu mắt phổ biến nhất là nâu, thứ hai là xanh da trời hoặc xám.
Màu của mắt là do số lượng protein sắc tố, còn gọi là melanin trong các tế bào của mống mắt quyết định. Một đứa trẻ khi sinh ra, trong mống mắt hầu như chưa có melanin nên sẽ có đôi mắt màu xanh. Từ 6–36 tháng, các tế bào trong mống mắt bắt đầu sản sinh melanin sẽ làm thay đổi màu sắc của mắt. Nếu có quá nhiều melanin, mắt sẽ có màu nâu; ít melanin, mắt sẽ có màu xanh. Hầu hết trẻ em châu Á và châu Phi khi sinh ra có màu mắt nâu hoặc đen, vì melanin đã tích tụ nhiều trong mống mắt. Tuy nhiên, thỉnh thoảng cũng có một số trẻ sinh ra với màu mắt xanh.
Màu mắt phổ biến và hiếm thấy
Màu mắt không đơn giản là các màu xanh lá, da trời và nâu mà có nhiều sắc độ. Màu mắt phổ biến nhất là nâu, thứ hai là xanh da trời hoặc xám. Màu mắt hiếm là màu xanh lá cây. Màu mắt rất hiếm là đỏ. Đôi mắt này hầu như không có melanin nên mống mắt sẽ không màu, nhưng bé thấy màu đỏ hoặc hồng vì đó là màu của các mạch máu. Một số sẽ sở hữu đôi mắt hai màu vì mống mắt được tạo thành bởi hai kiểu gien khác nhau. Hiện tượng này là do sự kết hợp ngẫu nhiên giữa các gene hoặc bị thương tổn gây nên sự xáo trộn trong việc sản sinh melanin. Mắt hai màu hiếm gặp ở người nhưng có ở chó, mèo và ngựa.
Điều gì quyết định sự tập trung số lượng melanin trong mống mắt?
Tất cả phụ thuộc vào gene. Theo các lý thuyết trước đây, màu mắt là do một gene quyết định. Nếu cha màu mắt nâu, mẹ mắt xanh, sinh ra con sẽ có mắt xanh. Theo khoa học hiện đại, gene quyết định rất nhiều về màu mắt. Những tế bào này sẽ điều chỉnh số lượng melanin trong mống mắt. Trong đó, hai gene chính tạo màu cho mắt là OCA2 và HERC2. Gene OCA2 quyết định 3/4 các sắc độ mắt từ xanh đến nâu. Màu mắt của bé phụ thuộc vào sự kết hợp của hai bộ gene này.
Mắt không liên tục sản sinh melanin như ở tóc và da. Do đó, tùy vào mức độ tập trung sắc tố melanin ở mô mỡ đệm mà màu mắt có thể sáng hơn hoặc tối đi.
Màu mắt có thể thay đổi không?
Màu của mống mắt có thể thay đổi nếu có các màu khác ở gần mắt, ví dụ trang điểm bầu mắt với các màu sắc khác nhau có thể "đánh lừa" chúng ta về màu của mống mắt của người đó.
Màu của mống mắt không phải giữ nguyên trong suốt cuộc đời. Trẻ sơ sinh có mắt xanh dương có thể chuyển sang màu mắt nâu hoặc hạt dẻ chỉ sau 1 ngày tuổi vì nhiều sắc tố sẫm được sinh ra trong tế bào mống mắt sau khi đứa trẻ ra đời.
Màu của mống mắt cũng có thể thay đổi vì một số bệnh hoặc thương tích.
Một vài thuốc nhỏ mắt điều trị nhãn áp tạo ra nhiều sắc tố nâu hơn trong tế bào mống mắt và khiến mắt nhìn nâu hơn. Một số người sinh ra đã có một mắt nâu và một mắt xanh dương, và điều này không bao giờ thay đổi trong cả cuộc đời họ, dù chúng ta chưa biết rõ vì sao.