Từ đầu năm, tổ chức nghiên cứu Berkeley Earth (Mỹ) đã dự báo khả năng 50% năm 2019 sẽ là năm nóng thứ nhì trong lịch sử tính từ năm 1850. Tại sao như vậy?
Giữa tháng 2/2019, Cơ quan Khí tượng Thái Lan cảnh báo người dân về chuyện những tháng tiếp theo của mùa hè năm nay trời sẽ rất nóng và khô, vài nơi lên đến 44 độ C, kéo dài ít nhất cho đến khi những cơn mưa đầu mùa xuất hiện trong tháng 5.
Một đặc điểm chung của biến đổi khí hậu đó là thời tiết trở nên cực đoan hơn - (Ảnh: THE NATION)
Thực tế, từ đầu năm, các nhà khoa học khí hậu hàng đầu thế giới đã dự báo Trái đất sẽ trải qua một đợt nóng khác thường, xác suất năm 2019 phá vỡ kỷ lục của năm ngoái để trở thành năm nóng thứ nhì trong lịch sử là 50% (tính từ năm 1850).
Và điều đó đã xảy ra trong tháng 3 vừa qua.
Theo Cục Quản lý đại dương và khí quyển quốc gia Mỹ (NOAA), nhiệt độ bất thường được ghi nhận ở nhiều khu vực tại Úc, miền bắc bán đảo Alaska, tây bắc Canada, miền nam Brazil, biển Barents, biển Tasman và Hoa Đông, và thêm các khu vực nằm rải rác ở các vùng biển phía nam.
Trong khi đó, một đợt không khí nóng cũng quét qua châu Âu trong dịp lễ Phục sinh. Tại Thụy Điển, rừng bốc cháy do quá khô, còn tại Anh, Nga... người dân bỗng được hưởng bầu không khí mùa hè (25-26 độ C) trong khi thời điểm này chỉ mới... mùa xuân (chênh lệch 10 độ so với thông thường).
Bản đồ nhiệt độ thế giới tháng 3/2019, màu đỏ là ấm hơn bình thường - (Ảnh: NOAA).
Các nhà khí tượng giải thích thời tiết kỳ lạ ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương mùa hè này một phần do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino, vốn biến khu vực tây Thái Bình Dương trở nên nóng và khô hơn.
Biến đổi khí hậu cũng tác động một phần đến thời tiết mùa hè này. Berkeley Earth - tổ chức nghiên cứu có trụ sở tại California (Mỹ), đã dự báo chính xác đợt nóng hiện tại từ hồi đầu năm nhờ quan sát nhiệt độ toàn cầu.
Hồi tháng 2, Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) và NOAA chính thức công bố 2018 là năm ấm thứ 4 trong lịch sử tính từ năm 1880, chỉ sau các năm 2015, 2016 và 2017. Như vậy, 5 năm trở lại đây là giai đoạn ấm nhất trong lịch sử khí tượng hiện đại.
Nhà khoa học NASA Gavin Schmidt nhấn mạnh tình trạng khí hậu hiện nay gây nên chủ yếu bởi hoạt động phát thải CO2 và các khí nhà kính khác của con người.
"Tác động dài hạn của biến đổi khí hậu đã có thể cảm nhận được - lụt lội ở các khu vực sát biển, các đợt nóng, lượng mưa và hệ sinh thái biến đổi lớn" - ông Schmidt cảnh báo.