Tại sao người Nhật ít béo phì?

Nhật Bản có tỷ lệ béo phì thấp nhất trong các nước phát triển nhờ chế độ ăn hợp lý và đề cao sự đơn giản, Luật Metabo giám sát béo bụng.

Nhật Bản vừa phê duyệt sử dụng thuốc giảm cân Wegovy - loại thuốc đang khan hiếm trên toàn cầu vì nhu cầu cao. Thoạt nhìn, đây có vẻ là tin tốt cho nhà sản xuất Novo Nordisk. Tuy nhiên, tờ Pharma Letter dự đoán sản phẩm sẽ không tạo ra bước đột phá lớn tại Nhật Bản vì tỷ lệ béo phì ở đây rất thấp, chỉ 4,5% dân số so với 42% ở Mỹ.

Vài tháng trước, nhà báo Johann Hari của tờ Time thăm Nhật Bản để thực hiện cuốn sách "Magic Pill: Lợi ích phi thường và rủi ro đáng lo ngại của thuốc giảm cân mới". Ban đầu, ông cho rằng người Nhật sở hữu loại gene đặc biệt khiến cơ thể mảnh mai hơn những khu vực khác trên thế giới. Tuy nhiên, sau khi tìm hiểu, ông nhận thấy người Nhật di cư sang Hawaii từ cuối thế kỷ 19 thừa cân tương tự dân địa phương. Điều này chứng tỏ, yếu tố khác ngoài gene di truyền ảnh hưởng đến vóc dáng của họ, ông nhận định.

Thực đơn đề cao sự đơn giản

Điều này rõ ràng hơn sau chuyến thăm của ông tới trường Cao đẳng Sushi & Washoku Tokyo. Tại đây, ông đã gặp Masaru Watanabe, hiệu trưởng nhà trường để tìm hiểu về nguyên tắc ẩm thực Nhật Bản.

"Nét đặc trưng của ẩm thực Nhật Bản là sự đơn giản. Đối với chúng tôi, càng đơn giản càng tốt", Watanabe nói.

Ông giải thích người Nhật không có truyền thống ăn nhiều thịt. Là một quốc đảo, họ coi trọng hải sản. Ẩm thực phương Tây sử dụng bơ, chanh, thảo mộc, nước sốt... để tạo hương vị.

"Nhưng phong cách Nhật Bản hoàn toàn ngược lại", ông nói. Họ tập trung vào "ẩm thực tối giản", cố gắng làm nổi bật hương vị tự nhiên của nguyên liệu. Bữa ăn của người Nhật có nhiều món nhỏ, thường là 5 món.

Ông Watanabe cũng giải thích nguyên tắc ăn uống của người dân nước này. Thứ nhất, họ "ăn theo hình tam giác", nghĩa là ăn từng chút mỗi món rồi quay lại món đầu tiên, cứ như vậy cho đến khi kết thúc bữa ăn.

"Tại đây, ăn hết một món rồi mới chuyển sang món khác được coi là rất kỳ lạ, bất lịch sự", ông nói.

Thứ hai, người Nhật dừng ăn khi cảm thấy no 80%. Họ cho rằng cơ thể cần thời gian để cảm nhận sự no, nếu cảm thấy no khi đang ăn, chắc chắn bạn đã ăn quá nhiều.

Sau ba ngày ăn theo kiểu Nhật Bản, Hari cảm thấy cơ thể khỏe, nhẹ nhàng hơn. Ông nhận định người Nhật xây dựng một mối quan hệ hoàn toàn khác biệt với thực phẩm trong hàng nghìn năm.


Trẻ em ăn trưa tại một trường mẫu giáo ở Yokohama, Nhật Bản. (Ảnh: AFP).

Quy định hỗ trợ giảm cân

Dù vậy, phần lớn văn hóa ẩm thực của Nhật Bản được hình thành gần đây. Giáo sư Barak Kushner, Đại học Cambridge, cho biết thức ăn Nhật Bản trước những năm 1920 "không ngon lắm". Họ chỉ ăn cá tươi một tuần một lần, chế độ ăn thiếu protein, các món hầm hoặc xào không phổ biến. Tuổi thọ trung bình của người Nhật khi ấy là 43.

Văn hóa ẩm thực mới bắt đầu được hình thành khi nước này xây dựng quân đội để tấn công các khu vực khác ở châu Á, nhằm tạo ra những người lính khỏe mạnh hơn. Sau thất bại trong Thế chiến thứ hai, chính phủ mới đã đẩy mạnh quá trình chuyển đổi.

Theo luật, mọi trường học ở Nhật Bản đều phải có chuyên gia dinh dưỡng. Họ thiết kế bữa ăn học đường theo quy định nghiêm ngặt về thực phẩm tươi sống và lành mạnh, giám sát việc nấu nướng, giáo dục trẻ em và phụ huynh về dinh dưỡng. Bữa ăn của học sinh thường gồm 5 phần nhỏ: cá trắng, mì với rau, sữa, cơm và một ít bột ngọt. Tất cả học sinh ăn cùng bữa, đồ ăn đóng hộp bị cấm, không có thực phẩm chế biến sẵn hoặc đông lạnh.

Tại trường Koenji Gakuen dành cho học sinh từ 5 đến 18 tuổi ở Tokyo, hiệu trưởng Minoru Tanaka yêu cầu bữa trưa đáp ứng hướng dẫn cụ thể. Bà ăn cùng học sinh để đảm bảo an toàn, dinh dưỡng và ngon miệng.

Trong khi học sinh ăn, hiệu trưởng Harumi giơ lên những sợi dây màu sắc đại diện cho các chất cần thiết với sức khỏe. Học sinh cần nhớ và trả lời một số câu hỏi, chẳng hạn "dây đỏ - carbohydrate có lợi ích gì?" hoặc "dây vàng - canxi tốt cho bộ phận nào?".


Một nhóm người cao tuổi tập thể dục buổi sáng tại công viên ở Tokyo vào tháng 10/2022. (Ảnh: AFP)

Năm 2008, khi nhận thấy tỷ lệ béo phì tăng nhẹ, chính phủ Nhật Bản ban hành "Luật Metabo" nhằm giảm thiểu hậu quả tiêu cực của tình trạng béo bụng. Luật quy định hàng năm, các doanh nghiệp và chính quyền địa phương phải đo vòng eo của người trưởng thành từ 40 đến 74 tuổi. Nếu vượt quá mức quy định, người đó được tư vấn y tế, nơi làm việc cần lập kế hoạch giảm cân cùng nhân viên. Công ty có lực lượng lao động béo phì có thể bị phạt.

Junya Nagasawa, giám đốc công ty ứng dụng thể dục Tanita, khi Luật Metabo có hiệu lực, các doanh nghiệp đột nhiên có nhu cầu về công nghệ theo dõi sức khỏe. Vì vậy, Tanita đã thiết kế màn hình video và hệ thống giám sát sức khỏe. Mọi người trong công ty đều đeo đồng hồ theo dõi số bước chân mỗi ngày. Điều này khiến những người không có thói quen tập thể dục vận động nhiều hơn.

Luật Metabo cùng với các biện pháp khác của Nhật Bản phát huy tác động rõ rệt. Tỷ lệ béo phì của nước này đang ở mức thấp nhất trong các quốc gia phát triển. Mỗi buổi sáng, từ 7h đến 8h tại các công viên, người cao tuổi tụ tập thành từng nhóm, cùng nhau tập thể dục. Điều này khiến tuổi thọ trung bình của người Nhật thuộc nhóm cao nhất thế giới. Trung bình, nam giới sống đến 81 tuổi và nữ giới đạt 88 tuổi.

Học hỏi Nhật Bản, một số quốc gia phát triển đã bắt đầu chú trọng đến chế độ ăn của người dân để giảm tình trạng béo phì. Mexico áp dụng thuế cho đồ uống có đường. Tại Amsterdam, chính phủ hạn chế nước ngọt ở trường học và điều phối huấn luyện viên cá nhân cho học sinh thừa cân, từ đó giảm béo phì ở trẻ em 12% từ năm 2012 đến năm 2018. Nhiều thành phố của Mỹ có các chương trình "thực phẩm là thuốc".

Cập nhật: 11/12/2024 VnExpress
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video