Thói quen ăn uống duy trì sức khoẻ tốt của các quốc gia trên thế giới

  •  
  • 9.369

Khi nói đến ăn uống, nhiều người thường có ý nghĩ là người Mỹ thường có khuynh hướng ăn nhiều, vượt quá giới hạn cho phép. Với người Mỹ, tốc độ ăn uống càng nhanh càng tốt, do đó mới có loại hình “fast-food” ra đời… nhưng mặt khác vì ăn nhanh, ăn nhiều cho nên người Mỹ có khuynh hướng tăng cân nhanh và dẫn đến căn bệnh béo phì. Trong khi đó tại nhiều quốc gia khác trên thế giới, nơi mà người dân địa phương thường có khuynh hướng chế biến những bữa ăn theo một bảng công thức các nguyên liệu thực phẩm đã định lượng, cũng như cách thức trình bày món ăn tinh tế nhằm giúp cho các thành viên trong gia đình tìm thấy được niềm vui trong ăn uống. Sau đây là những thói quen ăn uống đem lại sức khoẻ cao nhất của các quốc gia trên thế giới:

Người Ba Lan: Ăn ở nhà, tốt hơn hàng quán ngoài đường

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp Mỹ thì người Mỹ có nhu cầu ăn uống hàng quán chiếm đến 37% trong nhu cầu ăn uống hàng ngày của họ, thế nhưng tỷ lệ này chỉ là 5% đối với người Ba Lan. Ăn uống hàng quán chính là một trong những nguyên nhân quan trọng khiến cho tỷ lệ người mắc bệnh béo phì ở Mỹ gia tăng: Các nhà hàng thường bán quá nhiều thức ăn, đặc biệt nhiều thức ăn có đạm và dầu mỡ cao. Bằng việc ăn uống tại nhà (phải là thức ăn tự chế biến), chúng ta không chỉ kiểm soát các thành phần thực phẩm cần thiết cho dạ dày mà còn tiết kiệm tiền bạc, nhưng trên tất cả là chúng ta có nhiều thời gian hơn để trải nghiệm nhiều hơn cuộc sống tinh thần với các thành viên trong gia đình.

Người Châu Phi: Chú trọng thức ăn là các loại hạt

Là nguồn thực phẩm giàu chất đạm và tốt cho sức khoẻ, các loại hạt thực vật là nguồn dưỡng chất quan trọng, hữu ích để thay thế cho thịt động vật và thịt gia cầm. Ở Châu Phi, đặc biệt là ở Gambia, đậu phộng là thực phẩm bổ sung khá thông dụng phòng ngừa sự thiếu hụt rau quả, đậu phộng được sử dụng cho nhiều món xúp và thức ăn hầm nhừ, đó là lý do giải thích vì sao không có hiện tượng người mắc bệnh béo phì tại quốc gia này, và cũng là một trong những quốc gia có tỷ lệ người mắc bệnh ung thư thấp nhất thế giới.

Người Brazil: Cơm nấu kèm các loại đậu hạt

Người Mỹ hay có quan niệm cho rằng những thực phẩm giàu tinh bột là kẻ thù của mình, nhưng theo một nghiên cứu mới nhất được xuất bản trên tờ Nghiên cứu bệnh Béo Phì của Mỹ thì chế độ dinh dưỡng tập trung nhiều vào cơm gạo và các loại đậu hạt (trái ngược với chế độ dinh dưỡng của người phương Tây) lại được người dân Brazil chủ trương tán thành, chí ít là nó giúp người ta giảm cân xuống xấp xỉ 14 %. Cơm nấu đậu chứa rất ít chất béo nhưng lại giàu chất xơ, làm cân bằng lượng đường huyết trong máu, khiến cho tâm thần ổn định, thoải mái.

Người Thái Lan và Malaysia: Chú trọng thức ăn giàu gia vị

Nét đặc trưng trong văn hoá ẩm thực của người Thái Lan đó chính là vị cay nồng của ớt, mặc dù ớt cay nhưng nó chính là giúp đẩy nhanh quá trình trao đổi chất dinh dưỡng và làm giảm quá trình ăn (nếu lỡ thèm thuồng). Ở Malaysia, bột nghệ là một loại cây gia vị, mọc rất nhiều trong hầu hết các khu rừng nhiệt đới hoang dã, trong bột nghệ có một chất gọi là “curcumin”, theo một nghiên cứu của trường đại học Tufts (Massachusetts, Mỹ) thì chất Curcumin có thể làm triệt tiêu sự hình thành của các tế bào không mong muốn cũng như làm “đốt cháy” lượng mỡ dư thừa trong cơ thể.

Người Đức: Chú trọng bữa ăn sáng giàu chất dinh dưỡng

Theo một lẽ hơi khác thường rằng việc hấp thụ nhiều calori có thể khuyến khích cho việc giảm cân, thông qua việc chuẩn bị một bữa ăn sáng cân bằng, đầy đủ chất dinh dưỡng với trứng gia cầm luộc chín, bánh mì ngũ cốc và trái cây tươi, chính là làm đẩy mạnh việc trao đổi chất, thúc đẩy sự hoạt hoá ở vùng trung tâm của não người, giúp người ta kìm hãm niềm đam mê trong việc hấp thụ những thức ăn nhiều calorie tại những bữa ăn còn lại trong ngày.

Người Ấn Độ và Hà Lan: Rèn luyện sự dẻo dai của chân tay

Ở Mỹ, đại bộ phận dân cư thường có thói quen sử dụng xe hơi trong việc đi lại, thậm chí người Mỹ còn “lười” đến nỗi đi mua hàng tạp hoá cũng bằng xe hơi mặc dù nhà mình cách đây chỉ vài dãy nhà. Ngược lại, ở Hà Lan, xe 2 bánh rất được yêu chuộng, số lượng xe đạp ở Hà Lan nhiều hơn cả số dân cư, ước tính khoảng 54 % người dân Hà Lan sử dụng xe đạp trong các hoạt động sống trong ngày. Tính trung bình là việc đạp xe có thể “đốt” khoảng 550 calori năng lượng/giờ. Ở Ấn Độ, người dân lại có thói quen tập Yoga để “đốt cháy” lượng mỡ dư thừa trong người, tăng cường sự dẻo dai và mở mang trí tuệ. Trong khi đó tại Mỹ, người ta chỉ nghĩ đơn thuần là tập Yoga để giảm trầm cảm, nhưng thực sự tập Yoga giúp giảm cân hiệu quả: Yoga giúp làm săn chắc cơ bắp và làm đẩy mạnh quy trình trao đổi chất.

Người Hy Lạp và Châu Á: Hạn chế ăn thịt động vật

Tương phản với việc ăn thịt bò bít-tết và khoai tây trong nhu cầu ăn uống của người Mỹ, biểu đồ kim tự tháp dinh dưỡng của một số quốc gia vùng Địa Trung Hải như Hy Lạp chẳng hạn, lại có khuynh hướng hạn chế ăn thịt. Họ chủ trương dùng dầu ôliu, dùng các loại rau như bông a-ti-sô, rau bi-na, quả cà tím, hành tây và cà chua. Các loại thực phẩm giàu chất đạm như đậu xanh và các loại hạt. Thịt động vật được xem là thực phẩm bổ sung, không phải là thức ăn chính. Tương tự như vậy tại các quốc gia Châu Á, thịt chỉ đơn thuần là thực phẩm phải có cho có lệ, không thông dụng trong bữa ăn hàng ngày. Người Châu Á hấp thụ chất đạm từ cá và đậu nành, nhiều loại rau, gạo, các loại mì và các món canh.

Người Nam Phi: Uống Hồng Trà Rooibos

Có vị ngọt thanh và hương thơm quyến rũ hơn hẳn trà Xanh bình thường, Hồng Trà Rooibos được tin là có khả năng ngăn ngừa sự mất nước rất tốt. Thành phần của Hồng trà Rooibos có chứa chất Catechin, các thành phần chất kháng độc, giúp giảm mỡ dư thừa ở vùng bụng.

Người Hungary: Ăn rau dưa muối chua hàng ngày

Ăn các loại rau dưa muối có thể làm giảm cân, duy trì vóc dáng thon mảnh. Tại sao vậy? Thứ nhất thành phần chính trong các món dưa muối chính là nước giấm, và thành phần chính trong giấm là axít acetic, thứ axít này có nhiều công dụng tốt cho cơ thể như làm hạ huyết áp và ngừa việc lên cân. Người Hungary có thói quen ăn dưa chuột ngâm cùng những loại rau dưa muối khác như cải bắp, cà chua và ớt chuông.

Người Châu Âu và Mexico: Thói quen ăn trưa nhiều hơn ăn tối

Người Mỹ thường chểnh mảng ăn điểm tâm sáng, ăn trưa nhẹ nhàng và tập trung ăn nhiều vào buổi tối. Nhưng việc ăn quá nhiều vào buổi tối trước khi đi ngủ chính thực ra không giúp ích cho việc trao đổi chất của cơ thể. Ngược lại, người Châu Âu và Mỹ La Tinh lại có thói quen ăn bữa trưa thật đầy đủ chất dinh dưỡng, tiếp đến ăn tối lại nhẹ nhàng. Điều đó giúp cho bạn cảm nhận sự đói bụng thật sự khi thức giấc vào buổi sáng, nếu đã ăn no vào tối qua thì buổi sáng ngày hôm sau bạn có thể chểnh mảng ăn sáng nhưng buổi sáng lại chính là buổi làm việc mệt nhất trong ngày.

Người Pháp: Ăn chậm, Nhai kỹ và Tự cảm nhận

Khoảng 28% gia đình người Mỹ thường có thói quen ăn tối cùng nhau, trong khi đó tỷ lệ này là 92% đối với các gia đình người Pháp. Ăn tối và trò chuyện lẫn nhau sẽ giúp ăn ngon miệng, thư giãn cả thể chất và tinh thần, nói chuyện trong khi ăn tối còn làm ngăn ngừa việc hấp thụ quá nhiều calori dễ dẫn đến hiện tượng béo phì.

Người Nhật và Hà Lan: Cá là thực phẩm chính trong các bữa ăn

Người Nhật ăn cá nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác trên thế giới, nhưng thực ra dân Hà Lan cũng là những người rất “sát” cá, ước tính dân Hà Lan đã ngốn trung bình khoảng 85 triệu con Trích/năm. Cá chứa rất dồi dào các thành phần axít béo omega-3 đóng vai trò đảm nhiệm các chức năng hoạt động của não, cải thiện sức khoẻ của hệ tim mạch và làm giảm thiểu chỉ số các hoóc-môn gây bệnh trầm cảm.

Người Nhật Bản: Ngừng ăn trước khi cảm thấy no

Dân cư hòn đảo Okinawa của Nhật nổi tiếng bởi sự trường thọ khi nó nằm trong danh sách “5 Thánh địa Trường thọ nhất thế giới”, họ có một cơ chế kiểm soát calori khá hiệu quả, gọi bằng cái tên là “hara hachi bu”, nó có nghĩa là bạn chỉ ăn cho đến khi cảm thấy vừa no là dừng, không ăn cho đến khi no thật sự mới dừng. Lý do ăn uống kỳ lạ này tỏ ra hợp lý ở chổ, nếu ăn no thật sự, ít nhất bạn sẽ cảm nhận ách ở vùng dạ dày nhìn chung không tốt cho sức khoẻ. 

Trương Diệc Quyền (Theo Science)
  • 9.369