Những chiếc răng có hình dạng y hệt những cánh hoa được khai quật tại Sơn Tây – Trung Quốc lại giúp tái hiện nên một quái ngư hung dữ.
Theo Sci-News, đó là loài cá mập đã tuyệt chủng mang tên Petalodus ohioensis, một chi nhỏ của Petalodonformes, một nhóm thuộc họ hàng cá sụn biển tuyệt chủng, phát triển mạnh từ kỷ Carboniferous đến kỷ Permi. Chi này là một loài tổ tiên liên quan đến nhóm "cá mập ma" thời hiện đại.
Chân dung "quái ngư" vừa được phát hiện - (Ảnh: Học viện Khoa học Trung Quốc).
Theo tiến sĩ Zhikun Gai, nhà cổ sinh vật học tại Viện Cổ sinh vật có xương sống và cổ sinh vật học thuộc Học viện Khoa học Trung Quốc, họ đã tìm được 7 chiếc răng rất đặc biệt có hình dạng y hệt những cánh hoa, được bảo quản rất tốt từ lớp đá vôi cổ đại ở Sơn Tây – Trung Quốc, một phần của North China Craton, một khu vực cổ sinh phong phú chứa đựng các tàn tích từ Đại dương Paleo-Tethys hàng trăm triệu năm trước.
Chi mà loài cá mập này thuộc về đã được mô tả từ những năm 1840, nên các nhà cổ sinh vật học đã có thể tái hiện lại loài mới này một cách nhanh chóng. Ước tính hóa thạch có niên đại 290 triệu năm.
Những hóa thạch kỳ lạ được tìm thấy đã giúp phục dựng lại chân dung sinh vật - (Ảnh: Ảnh: Học viện Khoa học Trung Quốc).
Tại khu vực này, các nhà khoa học còn tìm thấy rất nhiều sinh vật biển cổ đại khác, là nguồn thức ăn phong phú cho loài cá mập "răng cánh hoa" cổ đại này. Cho dù sở hữu những chiếc răng "lãng mạn", nhưng "quái ngư" này vẫn là sinh vật đứng đầu chuỗi thức ăn.
Nghiên cứu vừa công bố trên tạp chí khoa học Acta Geologica Snica.