Tam giác san hô có nguy cơ biến mất

Biến đổi khí hậu có thể xóa sổ vùng biển có mức độ đa dạng sinh học lớn nhất thế giới mang tên Tam giác san hô nằm chủ yếu tại Đông Nam Á vào cuối thế kỷ 21, theo cảnh báo của Quỹ quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF). 

Khoảng 3/4 số loài sinh vật trên hành tinh sống tại Tam giác san hô. Ảnh: CNN.


Tam giác san hô trải dài từ Indonesia, Philippines, Malaysia, Papua New Ghine, quần đảo Solomon tới Đông Timo với diện tích 5,4 triệu km vuông. Vùng biển này chiếm hơn một nửa số rặng san hô ngầm trên toàn thế giới và là nơi sinh sống của hơn 3.000 loài cá. Nếu tính cả động vật và thực vật, Tam giác san hô sở hữu tới 75% số loài sinh vật mà con người từng biết. Do mức độ đa dạng sinh học lớn như vậy nên nhiều nhà khoa học gọi nó là "rừng Amazon dưới đại dương".

Trong một báo cáo mới được công bố, WWF lo ngại rằng sự gia tăng của nhiệt độ trên bề mặt đại dương, mực nước biển và nồng độ axit đang đe dọa tới sự tồn tại của Tam giác san hô tại Đông Nam Á. Sự sụp đổ của các rặng san hô sẽ khiến lượng hải sản trong khu vực giảm 80%, tác động tiêu cực tới cuộc sống của hơn 100 triệu người.

“Nếu không làm gì để chống lại tình trạng ấm lên toàn cầu, hàng chục triệu người sống gần bờ biển sẽ mất nhà cửa do mực nước biển tăng. Chúng ta cũng sẽ phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt lương thực trầm trọng. Loài người sẽ chứng kiến một cơn ác mộng thực sự vào cuối thế kỷ 21”, Ove Hoegh-Guldberg, một trong những tác giả của bản báo cáo, phát biểu.

Lida Pet Soede, giám đốc chương trình bảo tồn Tam giác san hô của WWF, nhấn mạnh rằng Tam giác san hô là nơi có nhiều loài động vật biển nhất thế giới. “Một số khu vực thuộc Tam giác san hô có vai trò thực sự quan trọng đối với tất cả loài cá. Chẳng hạn, cá ngừ và rùa biển đẻ trứng tại đây. Nếu vùng biển này biến mất, chúng sẽ không thể sinh ra thế hệ tiếp theo”, bà giải thích.

Để cứu Tam giác san hô, các nước sẽ phải cam kết cắt giảm mạnh lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Các khí thải carbon được ví như tấm kính vô hình vì chúng không cho nhiệt thoát ra khỏi khí quyển của trái đất. Chúng được thải ra từ hoạt động đốt nhiên liệu hóa thạch (như than đá, dầu mỏ, khí đốt). Khí thải carbon là thủ phạm làm tăng nhiệt độ trái đất, gây xáo trộn thời tiết, làm tăng nồng độ axit trong nước biển.

Theo WWF, Tam giác san hô sẽ tránh được họa diệt vong nếu lượng khí thải carbon được cắt giảm xuống mức 80% so với năm 1990. Bên cạnh đó, các chính phủ và cộng đồng dân cư sẽ phải ngăn chặn tình trạng đánh bắt hải sản bừa bãi và gây ô nhiễm biển.

“Nếu loài người vẫn tiếp tục khai thác quá mức các nguồn tài nguyên, chúng ta sẽ phải đối mặt với hiểm họa khủng khiếp ngay cả khi lượng khí thải carbon được cắt giảm đáng kể”, Richard Leck, một chuyên gia về khí hậu của WWF, nói.

Bản báo cáo của WWF được đưa ra trong bối cảnh quan chức từ hơn 70 nước sẽ tới thành phố Manado, Indonesia để tham dự diễn đàn Đại dương Thế giới vào tháng 9 tới. Đây là hội thảo toàn cầu đầu tiên bàn về mối quan hệ giữa các đại dương và biến đổi khí hậu.

Theo VnExpress (AP)
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video