Đây là nghiên cứu do nhà hóa học khí quyển Susan Solomon thuộc Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) thực hiện.
Trong những tháng sau vụ cháy rừng "Mùa hè Đen tối", lỗ hổng đã mở rộng thêm khoảng 2,5 triệu km2
Phát hiện này đã làm dấy lên mối lo ngại rằng việc "vá" lỗ hổng hiện có trên tầng ozone có thể mất nhiều thời gian hơn do biến đổi khí hậu đang làm trầm trọng thêm các vụ cháy rừng. Ngoài ra, những tổn thất này cũng làm lu mờ những lợi ích đạt được từ Nghị định thư Montreal ký năm 1987, theo đó các bên tham gia nghị định đã đồng ý loại bỏ dần các chất gây hại cho tầng ozone.
Tầng ozone nằm cách bề mặt Trái đất khoảng 15-35 km và bảo vệ con người khỏi các tia UV có hại của Mặt trời. Phần mỏng nhất của tầng ozone - được gọi là "lỗ thủng tầng ozone" – nằm ở Nam Cực. Mỗi năm, lỗ hổng đó có thể mở rộng hoặc thu hẹp nhưng trong những tháng sau vụ cháy rừng "Mùa hè Đen tối", nó đã mở rộng thêm khoảng 2,5 triệu km2. Quy mô khủng khiếp của vụ cháy rừng này đã khiến khói bay vào tầng bình lưu và gây phản ứng hóa học mà về cơ bản là "kích hoạt" một số hợp chất phá hủy tầng ozone đã tồn tại sẵn trước đó.
Những hợp chất này được giải phóng trong quá trình bay lên khí quyển và phân hủy của các hóa chất có tên gọi là chlorofluorocarbons (CFC), được sử dụng trong bình xịt aerosol, dung môi và tủ lạnh.
Từ những năm 70 và 80 của thế kỷ trước, các nhà khoa học đã kết luận rằng các hóa chất CFC có thể khiến tầng ozone bị mỏng đi và chúng tồn tại rất lâu trong khí quyển, lên tới 150 năm. Tuy nhiên, theo ông Martin Jucker, giảng viên tại Trung tâm Nghiên cứu biến đổi khí hậu thuộc trường Đại học New South Wales (Australia), không phải đám cháy rừng nào cũng gây tác hại đến tầng ozone, chỉ những đám cháy rừng rất lớn mới gây tác động nghiêm trọng như vậy. Đơn cử như các vụ cháy rừng hiện đang xảy ra ở bang New South Wales có thể sẽ không làm ảnh hưởng đến tầng ozone vào năm tới.
Giới khoa học đang đặt câu hỏi phải chăng chỉ có khói từ cháy rừng ở Australia mới làm hỏng tầng ozone, hay bất kỳ đám cháy lớn nào cũng có thể ăn mòn tầng khí quyển đang bảo vệ con người khỏi các tia UV có hại của Mặt trời này? Để tìm câu trả lời, các nhà khoa học sẽ cần phải tiến hành nhiều cuộc nghiên cứu hơn nữa. Nhà hóa học khí quyển, Tiến sĩ Solomon cho rằng, nếu thực sự dám cháy nào cũng có thể phá hủy tầng ozone thì vấn đề sẽ trở nên tồi tệ hơn nhiều.