Phân tích dữ liệu vệ tinh hé lộ tảo nở hoa có thể là thủ phạm dẫn tới hiện tượng chết hàng loạt của những con voi vào năm 2020.
Hơn 350 con voi chết bí ẩn có thể đã uống nước nhiễm độc, theo nghiên cứu mới công bố trên tạp chí Science of the Total Environment. Sự việc cảnh báo xu hướng đáng lo ngại về nhiễm độc do biến đổi khí hậu gây ra. Cái chết của những con voi ở vùng châu thổ Okavango thuộc Botswana được các nhà khoa học mô tả là "thảm họa bảo tồn". Năm 2020, hàng trăm con voi thuộc đủ độ tuổi đi theo vòng tròn trước khi ngã khuỵu và chết dần. Xác của chúng được phát hiện lần đầu tiên ở đông bắc Botswana vào tháng 5 và 6/2020, với nhiều giả thuyết xoay quanh nguyên nhân tử vong của đàn voi, bao gồm nhiễm độc xyanua hoặc dịch bệnh chưa rõ, theo Guardian.
Xác voi chết lũ lượt ở Botswana vào năm 2020. (Ảnh: Guardian).
Sự việc trên là trường hợp voi chết hàng loạt lớn nhất từng được ghi nhận mà chưa rõ nguyên nhân, theo trưởng nhóm nghiên cứu Davide Lomeo, nghiên cứu sinh tiến sĩ ở Đại học King, London. Kết quả nghiên cứu chỉ ra những con voi bị nhiễm độc bởi nước chứa tảo xanh lam nở hoa. Khủng hoảng khí hậu đang làm tăng tần suất và mức độ nghiêm trọng của tảo nở hoa độc hại.
Các nhà nghiên cứu sử dụng dữ liệu vệ tinh để phân tích sự phân bố của xác voi tương ứng với vũng nước. Họ không thể kiểm tra trực tiếp mẫu vật do không có sẵn. Nhóm nghiên cứu cho rằng những con voi di chuyển hơn 100 km từ vũng nước và chết trong vòng 88 giờ sau khi uống nước. Tổng cộng họ đã kiểm tra 3.000 vũng nước và nhận thấy vũng nước có số lần tảo nở hoa tăng lên trong năm 2020 có mật độ xác voi cao. Theo Lomeo, đàn voi không có lựa chọn nào khác ngoài uống nước ở đó. Có thể nhiều động vật khác chết do uống nước ở vũng, nhưng xác của chúng không thể phát hiện từ khảo sát trên không, và xác thú nhỏ có thể bị động vật ăn thịt tha đi.
Trong cùng năm, 35 con voi chết ở nước láng giềng Zimbabwe do một loại vi khuẩn xâm nhập vào máu, liên quan tới điều kiện hạn hán kéo dài. Năm 2015, 200.000 con linh dương saiga chết do bùng phát bệnh nhiễm khuẩn huyết mang tên tụ huyết trùng ở Kazakhstan. Những sự kiện chết hàng loạt đang trở nên ngày càng phổ biến trong tình hình thế giới ấm lên, có thể đẩy các loài tới nguy cơ tuyệt chủng.
Ở miền nam châu Phi, năm 2019 là năm khô hạn nhất trong hàng thập kỷ, nối tiếp là năm 2020 cực kỳ ẩm ướt. Những điều kiện này dẫn tới nhiều trầm tích và chất dinh dưỡng lơ lửng trong nước, khiến tảo phát triển chưa từng thấy. Trong tình hình biến đổi khí hậu, phần lớn thế giới sẽ trở nên khô nóng hơn với mưa lớn không liên tục. Các chuyên gia kết luận nghiên cứu nêu bật nhu cầu theo dõi chất lượng nước để kịp thời xử lý nếu có thể.