Các nhà khoa học đã phát triển và tạo ra một loại nhựa có khả năng phân rã trong nước biển, việc sẽ giúp giảm thiểu tình trạng ô nhiễm đồ nhựa ngày càng nghiêm trọng trong các đại dương.
Theo kỹ sư cấp cao Wang Gexia tại Viện nghiên cứu Kỹ thuật về Vật lý học và Hóa học thuộc Học viện Khoa học Trung Quốc, nguyên liệu polyester tổng hợp dùng để sản xuất loại nhựa mới này có thể phân rã trong nước biển trong một thời gian kéo dài từ vài ngày đến vài trăm ngày, không gây ô nhiễm môi trường.
Tình trạng ô nhiễm đồ nhựa ngày càng nghiêm trọng trong các đại dương. (Ảnh: straitstimes.com).
Kỹ sư Wang cho biết, trong một thời gian dài, con người chỉ tập trung vào "ô nhiễm trắng" trên mặt đất, và ô nhiễm nhựa trong đại dương chỉ thu hút sự chú ý của con người khi ngày càng nhiều báo cáo về hiện tượng động vật sống trong đại dương bị chết trong những năm trở lại đây.
Các nhà khoa học đã kết hợp các quy trình thủy phân phi enzyme, phân hủy trong nước và phân hủy sinh học để chế ra loại nguyên liệu mới này.
Nghiên cứu này mới đây đã được lựa chọn là một trong 30 đề án đoạt giải tại cuộc thi về những công nghệ đổi mới tương lai tại Thâm Quyến, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc.
Trước đó ngày 4/9, tin tức nói rằng Chính phủ Hàn Quốc thông báo sẽ loại bỏ hoàn toàn ống hút và cốc nhựa dùng một lần ở các cửa hàng cà phê và những điểm công cộng khác vào năm 2027 trong nỗ lực nhằm giảm lượng chất thải khó tái chế. Những sản phẩm đóng gói quá nhiều, không cần thiết trong các siêu thị lớn, cửa hàng tạo hóa và bưu kiện cũng sẽ bị hạn chế.
Chính sách này nhằm mục đích áp dụng các bước giảm lượng chất thải cho toàn bộ quá trình sản xuất, tiêu dùng, quản lý và tái chế, trước ngược với cơ chế trước đây chủ yếu tập trung vào tái chế sau khi sử dụng. Thông qua các biện pháp này, Hàn Quốc dự kiến sẽ giảm 20% lượng chất thải và nâng tỷ lệ tái chế thực tế từ 70% lên 82% vào năm 2027.