Đó là tuyên bố của một nhà vi trùng học Đức khi đề cập tới thói quen ... đại tiện của mọi người, đặc biệt là các cư dân ở phương Tây.
Khoa học gợi ý "giải quyết nhu cầu" đúng cách
Nhà vi trùng học Đức Giulia Enders tuyên bố, cách chúng ta ngồi bệ xí bệt để tống phân ra khỏi đường ruột phổ biến như hiện nay hoàn toàn là sai lầm. Thay vào đó, mọi người nên sử dụng bệ xí xổm.
Đường ruột của người không được thiết kế để "mở cửa sập hoàn toàn" khi chúng ta ngồi bệt. (Ảnh: Corbis)
Kết luận trên được rút ra sau khi bà Enders dành nhiều thời gian nghiên cứu về các vấn đề đường ruột, từ chứng táo bón tới nhiễm khuẩn. Theo nhà vi trùng học Đức, hệ thống dạ dày - ruột là "cố vấn quan trọng nhất của bộ não", ảnh hưởng tới mọi thứ, từ sức khỏe tâm thần tới sức khỏe hệ tiêu hóa của chúng ta. Và cách chúng ta đại tiện cũng ảnh hưởng tới chúng.
Bà Enders nhấn mạnh, ngồi bệt khi đại tiện là không phù hợp và thực tế còn kéo dài quá trình "giải quyết nỗi buồn" của người. Điều này có thể giúp lí giải tại sao bệnh trĩ và các căn bệnh đường ruột gây đau đớn, chẳng hạn như chứng viêm túi thừa trong ruột già phổ biến ở phương Tây hơn ở châu Á.
Bà Enders cho biết: "1,2 tỉ người trên khắp thế giới ngồi xổm khi đại tiện hầu như không bị mắc chứng viêm túi thừa trong ruột già và ít mắc các vấn đề với bệnh trĩ hơn".
Khi chúng ta sử dụng bệ xí bệt, cơ mu trực tràng sẽ kéo trực tràng, tạo thành đường quanh co, kéo dài thời gian đại tiện (trái). Ngược lại, tư thế ngồi xổm giúp thư giãn cơ mu trực tràng, giữ thẳng trực tràng và tạo ít áp lực xuống phần mông hơn, khiến việc xả rỗng ruột nhanh chóng và ít gây hại hơn. (Ảnh: Daily Mail)
Bà Enders nói, cách giả xả rỗng ruột tốt nhất là ngồi xổm. Điều này là vì, cơ chế đóng khép của đường ruột không được thiết kế để "mở cửa sập hoàn toàn" khi chúng ta ngồi bệt hoặc đứng. Nó giống như một chiếc ống vòi có chỗ thắt nút.
Khi chúng ta ngồi bệt hoặc đứng, cơ mu trực tràng quanh đoạn cuối đường ruột sẽ kéo trực tràng, tạo thành đường quanh co, kéo dài thời gian đại tiện. Ngược lại, tư thế ngồi xổm giúp thư giãn cơ mu trực tràng, giữ thẳng trực tràng và tạo ít áp lực xuống phần mông hơn, khiến việc xả rỗng ruột nhanh chóng và ít gây hại hơn.
Theo một số chuyên gia, tất cả chúng ta đều ngồi xổm cho tới tận giữa thế kỷ 19. "Trẻ sơ sinh theo bản năng ngồi xổm để đại tiện và đa số người dân thế giới cũng từng làm vậy. Tuy nhiên, bằng cách nào đó, người phương Tây bị thuyết phục rằng, ngồi xí bệt là văn minh hơn", một bác sĩ Mỹ có tên Joseph Mercola viết trên trang web của ông.