Trong vài thập kỷ qua, các nhà ngoại giao và nhiều tổ chức bảo vệ môi trường không ngừng theo đuổi một thỏa thuận mang tính quốc tế trong việc giảm các khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Nghị định thư Kyoto là một trong những thỏa thuận có nhiều nước tham gia nhất. Văn bản này sẽ hết hiệu lực vào năm 2012 và các nước tiếp tục tổ chức nhiều cuộc thương lượng để thay thế nó bằng một thỏa thuận khác.
Tuy nhiên, trong một bản báo cáo gần đây, các nhà khoa học của Học viện Kỹ thuật cơ khí Anh tỏ ra bi quan về triển vọng của các cuộc đàm phán. “Những điều khoản cơ bản nhất của thỏa thuận mới sẽ tập trung vào nỗ lực giảm các tác động tiêu cực của con người để các thế hệ sau có cơ hội sống trong điều kiện khí hậu tốt đẹp hơn. Nói cách khác, thỏa thuận sẽ hướng tới việc giảm lượng khí thải CO2. Nhưng hiện nay, nghị định thư Kyoto hầu như chẳng có tác dụng gì bởi lượng khí thải CO2 vẫn tiếp tục tăng lên với tốc độ chóng mặt”, báo cáo giải thích.
Giống như hàng triệu nhà khoa học khác trên hành tinh, nhóm tác giả tin rằng loài người cần giảm lượng khí thải CO2, song nhấn mạnh chúng ta cần tỏ ra thực tế về thành quả có thể đạt được. “Loài người sẽ tiếp tục sử dụng nhiên liệu hóa thạch cho đến khi chúng cạn kiệt”, báo cáo viết.
Nếu dự đoán của giới khoa học về thay đổi khí hậu chính xác, thế giới chúng ta đang sống sẽ có diện mạo khác hẳn nếu không giảm bớt mức độ sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Mực nước biển sẽ tăng thêm 7 mét tại Anh vào năm 2250, nhấn chìm phần lớn London. Khi đó, người dân tại xứ sở sương mù buộc phải rời bỏ một số vùng và bỏ ra những khoản tiền khổng lồ để bảo vệ những vùng còn lại.
Thay đổi khí hậu buộc con người phải xem xét lại cách thức xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng. Chẳng hạn, vị trí của nhiều nhà máy điện phải được tái cân nhắc vì hiện chúng thường được đặt tại gần bờ biển nên sẽ bị nhấn chìm khi mực nước biển tăng lên.
“Chúng ta cần nhận thức rõ ràng rằng lượng khí thải CO2 không hề giảm và khí hậu trái đất đang thay đổi. Nếu không tìm ra cách để thích nghi với tình hình mới, chúng ta sẽ đối mặt với một tương lai khó khăn và bất ổn”, báo cáo kết luận.